Tiếng Việt | English

23/11/2016 - 08:53

Kỷ niệm 76 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2016)

Về thăm vùng đất kiên trung

Cách đây 76 năm, vùng đất Long An (lúc bấy giờ gồm 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn) là một trong những địa bàn sôi động nhất của khởi nghĩa Nam kỳ. Mảnh đất kiên trung ngày nào đang dần thay da, đổi thịt.


Tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa

Nơi ghi dấu những chiến tích

Một năm nữa lại trôi qua trên vùng đất được xem là nơi ác liệt nhất diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đó là xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa. Đến tận ngày nay, vết tích “ngôi mộ tập thể” tại Giồng Cám như nhắc nhở thế hệ sau về một thời kỳ hào hùng của lịch sử dân tộc.

Ngày 23/11/1940, các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa (nay là huyện Đức Hòa) phục kích tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu với đồng bào là Quản Nên và Bếp Nhung. Sau khi tiêu diệt 2 tên này, chiều ngày 23/11/1940, bọn địch ở Đức Hòa đi lấy xác Quản Nên và Bếp Nhung bắn chết và vùi chung 4 người dân vô tội ở con mương nhà ông Lê Văn Khách, tại Giồng Cám, nay thuộc ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng (4 người này được chôn chung trong một ngôi mộ lập ngày 29/2/1970 tại Giồng Cám). Giặc Pháp sau đó đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa ở Đức Hòa.

Sáng ngày 24/11/1940, Pháp tổ chức cuộc đàn áp với quy mô lớn càn quét làng Đức Hòa. Với sự chỉ điểm của bọn tay sai, địch đốt hơn 40 ngôi nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người, vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách. Nhiều người dân ở các địa phương khác thuộc huyện Đức Hòa cũng bị địch giết hại, bắt bớ nhưng vẫn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, để lại trong lòng người dân hình ảnh cao đẹp của người cộng sản.

Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa lan rộng sang nhiều địa phương khác. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Tân An - Chợ Lớn tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, quận Cần Giuộc (nay là huyện Cần Giuộc) và làng An Thạnh, quận Trung Quận (nay là Bến Lức). Từ cuộc khởi nghĩa, xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng, bất khuất, dũng cảm hy sinh như “Hoàng hậu đỏ” Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Văn Nhâm, Lê Văn Lao, Võ Văn Siêng (con của đồng chí Võ Văn Tần), Nguyễn Văn Dương, Lê Công Phép,...

Theo sử sách, khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra mạnh mẽ từ miền Đông đến miền Tây Nam bộ như Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Cuộc khởi nghĩa này là một trong những mốc son chói lọi của dân tộc ta trên con đường giải phóng dân tộc.

Mặc dù bị giặc Pháp đàn áp dã man, song trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, toàn Tân An và Chợ Lớn có 94/128 làng tham gia khởi nghĩa, tiến đánh 12 đồn bót, thu 55 súng, trừng trị 47 tên ác ôn, tay sai,... Nhiều nơi rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm.

Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) và binh biến Đô Lương (tỉnh Nghệ An), khởi nghĩa Nam kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương” như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên đường đổi mới

Đức Hòa Thượng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử nổi bật: Nam kỳ khởi nghĩa, Di tích lịch sử vườn nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn,... Phát huy truyền thống anh hùng đó, tuổi trẻ Đức Hòa Thượng tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương với nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ tại địa phương.


Trường Mẫu giáo Đức Hòa Thượng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học

Đa phần thanh niên trên địa bàn đi làm công nhân nên việc tập hợp thanh niên gặp không ít khó khăn. Đoàn xã chủ động tổ chức nhiều hoạt động thể dục - thể thao, văn nghệ vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ nhằm thu hút thanh niên tham gia. Đồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, cán bộ Đoàn lồng ghép nội dung tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn tăng cường tổ chức các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết.

Bí thư Đoàn xã Đức Hòa Thượng - Mai Ngọc Dự thông tin: “Phát huy truyền thống Nam kỳ khởi nghĩa, tuổi trẻ xã nhà thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra, Đoàn xã nhận bảo quản một số nhà bia, khu di tích trên địa bàn, thường xuyên phân công đoàn viên đến dọn dẹp vệ sinh, bảo đảm mỹ quan cho các khu di tích. Những hoạt động trên là bài học thiết thực nhất cho đoàn viên về việc ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng”.

Để khắc họa lại địa điểm diệt Quản Nên, UBND tỉnh và UBND huyện xây dựng Bia di tích lịch sử Giồng Cám; được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2000.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Mai Minh Mẫn Nhuệ cho biết: “Trước đây, đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng nỗ lực xây dựng quê hương và diện mạo xã nhà thay đổi từng ngày”.

Đức Hòa Thượng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994. Thu nhập bình quân đầu người của xã vào năm 2010 là 23 triệu đồng, nay tăng lên hơn 31 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện, các trục đường chính được nhựa hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Xã có 2 trường Tiểu học Huỳnh Văn Tạo và Mẫu giáo Đức Hòa Thượng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm (hiện nay còn 65 hộ). Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và những gia đình có công với cách mạng được quan tâm kịp thời. Niềm vui lớn nhất với người dân địa phương là hiện nay, Đức Hòa Thượng được công nhận xã văn hóa - nông thôn mới vào đầu năm 2016.

Không những vậy, nhằm tôn vinh tinh thần yêu nước và sự hy sinh của các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa, tỉnh cho xây dựng công trình Tượng đài chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa, nay thuộc Khu di tích Ngã tư Đức Hòa./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết