Khung cảnh thanh bình bên bờ sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua 2 huyện Đức Hòa - Đức Huệ
Sông Vàm Cỏ Đông là một nhánh của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Theo Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ đồng bằng trũng thấp phía Bắc tỉnh Svay Rieng thuộc nước bạn Campuchia, chảy vào biên giới Việt Nam qua tỉnh Tây Ninh vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện: Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức rồi vào Cần Đước kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ đổ vào sông Soài Rạp và ra biển Đông.
Dòng sông đi vào thơ ca cùng câu chuyện lịch sử
Khi tôi đến dòng sông Vàm Cỏ Đông, trời vừa đứng nắng ban trưa. Những ngày tháng 8, hạ về dệt màu nắng vàng phai in hình những đám mây trắng, mây xanh trên dòng sông Vàm Cỏ Đông xanh ngắt. Đứng trên cầu Đức Huệ bắc qua sông Vàm Cỏ Đông nối liền đôi bờ thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ với thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tôi mới tin rằng cuối cùng mình cũng đã đến nơi bến sông xưa - khu vực bến phà Đức Huệ với biết bao câu chuyện làm nên dòng sông Vàm Cỏ Đông lịch sử.
Là người con vùng đất Đức Hòa, mỗi lần qua cầu Đức Huệ, tôi nhớ những câu hát quen thuộc đã đi vào thơ ca:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! ơi Vàm Cỏ Đông!
(Trích bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ)
Không phải ngẫu nhiên mà dòng sông Vàm Cỏ Đông đi vào thơ ca, phổ nhạc đến bài vọng cổ Dòng sông quê em quen thuộc mà đằng sau những ca từ mộc mạc ấy là cả câu chuyện về dòng sông lịch sử. Từ lời thăm hỏi người dân địa phương, tôi tìm đến Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ cách cầu Đức Huệ 300m hướng về trung tâm huyện.
Đường Huỳnh Công Thân vào khu di tích được trải nhựa thông thoáng, sạch sẽ. Trước mắt tôi là Nhà văn hóa khu phố 1. Bia tưởng niệm Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa khu phố 1, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ.
Khi tôi đến khu di tích cũng là thời gian nghỉ trưa nhưng cổng vào nhà văn hóa vẫn mở. Hỏi thăm chú chủ trại cưa cây là người dân địa phương sống gần cổng ra vào nhà văn hóa, tôi biết được nhiều thông tin hữu ích: “Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ được UBND huyện Đức Huệ tổ chức lễ khánh thành vào ngày 26/7/2023 và được xếp Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 22/8/1994”.
Bia tưởng niệm Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ nằm trong khuôn viên Nhà văn hóa khu khố 1, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ
Biết tôi là người huyện khác đến đây, chú chủ trại cưa cây hướng dẫn vào bên trong di tích để tìm hiểu lịch sử địa phương. Ngay tại bia tưởng niệm Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ, mã QR được UBND huyện Đức Huệ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện trang bị sẵn.
Chỉ cần đưa tay quét mã QR qua điện thoại, thông tin về di tích hiện ra chi tiết: “Bến phà Đức Huệ (trước năm 1975 là bến đò) thuộc thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, là địa điểm ghi dấu chiến công oanh liệt của quân - dân Đức Huệ, Long An trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước. Địa danh bến phà Đức Huệ gắn liền với thời kỳ lưu thông bằng ghe, xuồng, đò và sau này là phà để nối liền đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông từ Hiệp Hòa sang Đông Thành trước khi cầu Đức Huệ được xây dựng”.
Tôi hướng mắt nhìn lên bia tưởng niệm, chợt nhớ 4 câu thơ trích trong bài Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ đã ghi dấu “dòng sông lịch sử”:
Đây con sông như dòng lịch sử
Sáng ngời lên từ thuở cha ông
Đã bao phen đoàn quân cảm tử
Vùi đáy sông xác giặc tanh nồng.
Cũng từ những thông tin qua quét mã QR, tôi biết thêm, nơi đây “ngày 12/12/1961, Đại đội Cơ động tỉnh (tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An) phối hợp bộ đội địa phương Đức Huệ và du kích Mỹ Thạnh Đông tổ chức phục kích 1 đại đội thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy, từ bót Cầu sắt hành quân đến bến đò để sang sông Vàm Cỏ Đông về Hiệp Hòa.
Sau hơn 1 giờ chiến đấu, quân ta toàn thắng, diệt 36 tên, bắt sống 6 tên, thu 4 máy PRC, 4 trung liên, 30 súng trường và nhiều quân trang, quân dụng. Đây là lần đầu tiên lực lượng vũ trang Long An đánh tiêu diệt quân chủ lực ngay ở cấp đại đội, làm thất bại ý đồ của địch càn quét, đánh phá vào vùng căn cứ cách mạng.
Chiến thắng trên khẳng định sự trưởng thành và trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang Long An trong chiến đấu và chiến thắng quân chủ lực ngụy; minh chứng cho lòng dũng cảm, mưu trí của quân - dân tỉnh nhà trong sự nghiệp đánh Mỹ, diệt ngụy trên mảnh đất Đức Huệ anh hùng”.
Đọc từng dòng thông tin về Di tích lịch sử Khu vực Bến phà Đức Huệ, trong tôi dậy lên niềm tự hào xen lẫn xúc động và vô cùng biết ơn các anh hùng liệt sĩ - những người con Long An ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tôi đến đây, đứng trong di tích giữa thời bình, được nghe câu chuyện dòng sông lịch sử, càng hiểu thêm bài học về lòng yêu nước. Những ngày xa xưa thời đạn bom chiến tranh, biết bao nông dân áo vải, chân chất ruộng đồng đã nằm lại lòng sông Vàm Cỏ Đông để giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất quê hương, để thanh bình trở lại trên dòng nước xanh biêng biếc Vàm Cỏ Đông hôm nay. Và rồi, mỗi bước chân tôi đến “địa chỉ đỏ” này đều đáng nhớ.
Trải qua mấy mươi năm kháng chiến trường kỳ, dòng sông Vàm Cỏ Đông đã cùng người dân “chở nặng chiến công”, như người mẹ hiền bao bọc, chở che qua bao năm tháng đạn bom để “mảnh đất Long An rạng rỡ tên vàng”.
Vẻ đẹp hữu tình trong thời bình
Dòng sông Vàm Cỏ Đông trong xanh, yên bình khua theo mạn thuyền của những chuyến hàng hóa ngược xuôi của khách thương hồ, của ngư dân đôi bờ qua sông. Nếu trong chiến tranh, dòng sông anh dũng, hào hùng thì trong thời bình, dòng sông tấp nập tàu thuyền, xuồng ghe giao thương, mua bán và du lịch khám phá vẻ đẹp sông nước hữu tình.
Nơi bến sông xưa giờ đây tàu hàng neo đậu. Phải chăng đó là sự đổi thay của dòng sông Vàm Cỏ Đông đang viết tiếp câu chuyện dòng sông kinh tế với hành trình dựng xây Long An theo mục tiêu đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn từ cầu Đức Huệ, ven bờ sông Vàm Cỏ Đông phía thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa có nhiều tàu thuyền neo đậu chở hàng hóa, nguyên, vật liệu cho các nhà máy sản xuất, chế biến như gạch, phân bón,... không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn vươn xa sang nước bạn Campuchia. Còn ven bờ sông Vàm Cỏ Đông phía thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ là những hàng dừa nước xanh xanh nghiêng mình như gọi mời, chào đón du khách.
Cầu Đức Huệ nối liền đôi bờ huyện Đức Hòa - Đức Huệ
Với địa hình hai bên bờ sông có nhiều con rạch nhỏ dẫn vào những vùng quê thanh bình, phù sa cứ thế theo từng con nước mà nặng lòng với ruộng lúa quê hương.
Đến đây, ta có thể hòa mình vào cảnh sông nước thiên nhiên gần gũi, quen thuộc, ngắm nhìn những cánh cò trắng lúc hoàng hôn; cảm nhận nét đẹp dân dã của ngư dân ven bờ thu hoạch cá tôm mùa nước nổi, bình yên cùng nông dân đang tranh thủ gặt lúa vụ mùa, cuộn rơm trước khi con nước vào đồng; vừa nghe đờn ca tài tử, vừa thưởng thức đặc sản miền sông nước như canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, đặc biệt là món mắm chua cá lia thia nổi tiếng vùng Đức Huệ.
Những người dân Long An luôn mong nhà đầu tư dịch vụ du lịch, lữ hành, các chuyên gia kinh tế đến với sông Vàm Cỏ Đông để trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu, đầu tư làm bật dậy tiềm năng phát triển du lịch của dòng sông và mở ra một hướng đi mới như hành trình của sông, của nước cứ trôi đi về muôn hướng. Để mai đây, câu chuyện về dòng sông Vàm Cỏ Đông hào hùng trong lịch sử cùng vẻ đẹp nên thơ, bình yên giữa thời bình sẽ được truyền nhân kể cho nhau nghe về quá khứ oai hùng của thế hệ cha ông, về vùng đất và con người Long An hiền hòa, mến khách./.
Thi Hoàng Khiêm