Tiếng Việt | English

28/03/2020 - 12:45

Vì sao UBND cấp xã “từ chối” sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh?

Hiện nay, người dân vẫn chưa thật sự hài lòng khi đến chứng thực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh Long An. Việc cán bộ “một cửa”, tư pháp - hộ tịch cấp xã “từ chối” sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh khiến cho tổ chức, cá nhân đánh giá thấp về chất lượng cũng như thái độ phục vụ. Điều này, ảnh hưởng ít nhiều đến chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hàng năm.

Hiện nay, việc cán bộ “một cửa”, tư pháp - hộ tịch một số UBND cấp xã “từ chối” sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh khiến cho không ít tổ chức, cá nhân đánh giá thấp về chất lượng cũng như thái độ phục vụ

Hiện nay, việc cán bộ “một cửa”, tư pháp - hộ tịch một số UBND cấp xã “từ chối” sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh khiến cho không ít tổ chức, cá nhân đánh giá thấp về chất lượng cũng như thái độ phục vụ

Làm việc chưa hết trách nhiệm

Chị T.L., ngụ phường 4, TP.Tân An, bức xúc: “Vừa rồi, tôi có đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của một phường trên địa bàn TP.Tân An yêu cầu sao y bằng thạc sĩ nhưng bị “từ chối” do trên văn bằng có chữ tiếng Anh. Tôi không hài lòng với thái độ làm việc của cán bộ “một cửa”, tư pháp - hộ tịch ở đây vì theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ về Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì UBND cấp xã vẫn có thẩm quyền”.

Từ ý kiến phản ánh của chị T.L., chúng tôi có chuyến ghi nhận về thực trạng chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch cấp xã. Theo đó, chúng tôi mang theo chứng chỉ tiếng Anh của viện đào tạo quốc tế thuộc một trường đại học ở TP.HCM đến yêu cầu sao y tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của một số xã, phường trên địa bàn tỉnh: Phường 2 (TP.Tân An), Hòa Phú, Vĩnh Công (huyện Châu Thành) và Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) đều bị “từ chối” chứng thực bản sao đúng với bản chính.

Tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ hành chính UBND phường 2, TP.Tân An cán bộ “một cửa” không đồng ý tiếp nhận sao y chứng chỉ tiếng Anh của chúng tôi. Cán bộ Hộ tịch - Tư pháp UBND phường 2 - Nguyễn Thị Thanh Thảo nói: “Phiền anh lên Trung tâm Hành chính công TP.Tân An sẽ được Phòng Tư pháp giải quyết, chứ ở UBND phường không đủ thẩm quyền. Không riêng gì anh mà lãnh đạo phường muốn sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh đều phải lên đó”. 

Sau đó, chúng tôi tiếp tục đến liên hệ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ UBND xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, lúc này có 3 khách hàng đang chờ giải quyết thủ tục hành chính. Gần 30 phút sau, chúng tôi vẫn chưa thấy cán bộ nào xuất hiện để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Thấy chúng tôi đợi lâu, một anh cán bộ từ Phòng Tiếp công dân đến nói là bộ phận “một cửa” bận họp. Sau khi xem qua chứng chỉ tiếng Anh yêu cầu sao y của chúng tôi, anh này yêu cầu đến Trung tâm Hành chính công huyện Châu Thành hoặc Trung tâm Hành chính công TP.Tân An để được giải quyết, chứ UBND xã không giải quyết được. Chúng tôi hỏi: “Cán bộ “một cửa” bận họp, vậy còn anh là cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch à?”. Anh trả lời không phải, rồi bỏ đi. Do không đeo thẻ công chức, chưa giới thiệu tên nên chúng tôi không rõ anh này làm ở bộ phận nào. Trong khi, Chỉ thị 26/CT-TTg ban hành ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ phải đeo thẻ công chức để bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp”.

Sau khi UBND xã Hòa Phú “từ chối” sao y, chúng tôi đến bộ phận “một cửa” của UBND xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành. Chị cán bộ “một cửa” lại xem xét và khẳng định với chúng tôi, UBND xã không nhận sao y các văn bằng, chứng chỉ tiếng Anh mà không có song ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt). Sau khi nghe chúng tôi nhắc đến những quy định trong Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ, chị điện thoại liên hệ, tư vấn với cán bộ hộ tịch - tư pháp UBND xã, cuối cùng yêu cầu chúng tôi lên Trung tâm Hành chính công huyện Châu Thành để được giải quyết, chứ từ trước giờ Phòng Tư pháp huyện hướng dẫn như vậy.

Cũng như xã Vĩnh Công, bộ phận “một cửa” UBND xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa cũng “từ chối” sao y chứng chỉ tiếng Anh của chúng tôi với chung lý do là bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Sau khi nghe chúng tôi phản ánh, anh cán bộ làm việc tại phòng “một cửa” xã chụp lại chứng chỉ của chúng tôi gửi lên cấp huyện để nhờ hướng dẫn. Cuối cùng anh cũng yêu cầu chúng tôi lên gặp Phòng Tư pháp huyện để được giải quyết vì ở cấp xã không có lực lượng dịch thuật. Chúng tôi hỏi: “Tôi chỉ yêu cầu UBND xã chứng nhận sao y về mặt hình thức đối với văn bản này, chứ có yêu cầu xác nhận về nội dung đâu mà cần người dịch?”. Anh cán bộ tiếp nhận hồ sơ của chúng tôi im lặng, mắt hướng xuống bàn có cái rổ bằng nhựa ghi dòng chữ: Xin nộp hồ sơ vào rổ - chứng thực nộp luôn bản chính.

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra về thực hiện Nghị định 23/2015/NĐ-CP

Theo điểm a, khoản 1, Điều 5 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ về Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm: “Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận”. Còn tại điểm a, khoản 2, Điều 5 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm: “Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận”.

Như vậy, căn cứ vào điểm a, khoản 2, Điều 5 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, chứng chỉ tiếng Anh yêu cầu sao y của chúng tôi là của viện đào tạo quốc tế của một trường đại học ở TP.HCM cấp hay bằng thạc sĩ có tiếng Anh thuộc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, thì UBND cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm sao y. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cán bộ “một cửa”, hộ tịch - tư pháp xã “nhầm lẫn”, cứ thấy văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh là yêu cầu khách hàng lên Phòng Tư pháp cấp huyện để được giải quyết, trong khi các loại giấy tờ, văn bản này không thuộc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng. Điều này khiến nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa không hài lòng vì phải mất thời gian, công sức lên trung tâm huyện để được giải quyết sao y các văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng Anh.

Thông tin từ Sở Tư pháp, ngay sau khi Nghị định 23/2015/NĐ-CP được ban hành, sở chủ trì, phối hợp, tham mưu, tổ chức triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nhanh chóng đưa nghị định này vào cuộc sống. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đổi mới công tác chứng thực của tỉnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn công chứng, chứng thực. “Qua phản ánh của người dân về việc UBND cấp xã “từ chối” sao y văn bằng, chứng chỉ có tiếng Anh, sở sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời nhắc nhở cán bộ cấp xã làm việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung của Nghị định 23/2015/NĐ-CP, giúp người dân, cán bộ “một cửa”, tư pháp - hộ tịch, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực thi theo đúng các điều khoản quy định của Chính phủ” - Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết.

Khó khăn trong thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP  hiện nay là một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, người dân vẫn chưa thực sự hiểu rõ bản chất của chứng thực cũng như bị nhầm lẫn giữa hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Trong khi, chứng thực chỉ là sự chứng nhận về mặt hình thức đối với các giấy tờ, văn bản, hợp đồng, giao dịch, còn công chứng là sự chứng nhận về mặt nội dung của hợp đồng, giao dịch và bản dịch”./.

Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung

Phong Nhã
 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích