Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quân sự Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 05/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha.
Từ ngày 02 - 04/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động, cả song phương và đa phương: dự và phát biểu tại 11 hội nghị, cuộc họp; gặp gỡ, làm việc với 19 đối tác lớn: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hoàng tử Anh...
Đặc biệt, đêm 04/11, tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận "búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan và công bố chủ đề cùng một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Hòa bình, ổn định phải là mục tiêu chung; đối thoại, hợp tác phải là công cụ chính và con người phải là trọng tâm của mọi chính sách”.
Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự, trong đó hành vi của mỗi quốc gia và các mối quan hệ phải tuân thủ luật pháp quốc tế; cần tiếp tục gia tăng chất keo gắn kết giữa các thành viên để duy trì tính bền vững lâu dài của ASEAN; tiếp tục quan tâm đến triển khai hiệu quả các thỏa thuận liên kết kinh tế; rà soát, tháo gỡ những rào cản trong thương mại và đầu tư; đẩy mạnh thuận lợi hóa, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong ASEAN khai thác thị trường khu vực.
Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho các nền kinh tế thành viên, các doanh nghiệp của ASEAN khả năng tận dụng các cơ hội và khắc phục các thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại phiên toàn thể cũng như các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng đều khẳng định quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới với giá trị 3.400 tỉ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm, hiện đang gặp nhiều thách thức.
Vừa qua, xảy ra những vụ việc nghiêm trọng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN.
Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại.
Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng, Thủ tướng đề nghị ASEAN tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tích cực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đồng thời thể hiện tinh thần hợp tác mới là: “Chúng ta cùng nhau thượng tôn pháp luật, xây dựng vùng Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.”
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp vào nhiều văn kiện, thỏa thuận được thông qua tại hội nghị, phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm: Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Sáng kiến Kết nối các kết nối; thành lập website về ASEAN+3 để tăng cường nhận thức và thúc đẩy hữu nghị nhân dân các nước trong khu vực; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến vành đai và con đường (BRI)...
Tối 04/11, sau lễ bế mạc hội nghị, lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam đã diễn ra. Thủ tướng Thái Lan đã trao búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”; đồng thời Logo năm ASEAN 2020 và video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã được trình chiếu.
Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng nêu rõ: "Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.
Chất keo tạo nên sự gắn kết đó chính là khả năng duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân.
Trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu.”
Thủ tướng nói: “Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy Cộng đồng, hành động vì Cộng đồng”. Việt Nam trông đợi sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của Năm ASEAN 2020.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cuộc gặp, làm việc, tiếp xúc song phương các trưởng đoàn, nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự hội nghị để trao đổi nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể.
Tại các cuộc gặp, đề cập đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán; khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng đã dự một số sự kiện hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các đối tác Việt Nam và Thái Lan (lễ khai trương đường bay mới của Vietnam Airlines, Vietjet; lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam và Công ty năng lượng B.Grimm; giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Gulf về nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná).
Có thể nói, với 30 hoạt động song phương và đa phương tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp, góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác của ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực.
Các hoạt động của Thủ tướng và đoàn Việt Nam là sự chủ động tham gia chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 thành công./.
Theo TTXVN