Tiếng Việt | English

13/08/2015 - 21:02

Vĩnh biệt "mẹ đẻ" của vaccine ngừa tiêu chảy made in Việt Nam

PGS.TS BS Lê Thị Luân, mẹ đẻ của vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota “made in Việt Nam” đột ngột qua đời ở tuổi 53.

Nhà khoa học nữ PGS.TS.BS Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), mẹ đẻ của vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota “made in Việt Nam” vừa đột ngột qua đời ở tuổi 53.

Sinh năm 1962, tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, năm 1980, PGS.TS Lê Thị Luân theo học chuyên khoa Đa khoa nội nhi tại Đại học Y Hà Nội. Theo học đến năm thứ 5, bà thi đỗ nội trú vi sinh rồi chuyển sang học thêm 3 năm nữa. Chính cơ duyên này đã đưa bà đến với Y tế dự phòng và ngay khi tốt nghiệp ra trường, được nhận về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến năm 1994, bà được làm việc tại phòng Kiểm định vaccine thuộc Trung tâm khoa học Sản xuất vaccine Sabin.

Năm 1998, PGS.TS.BS Lê Thị Luân được giao nhiệm vụ giám sát bệnh tiêu chảy do virus Rota tại Việt Nam và bà đã chứng kiến những gánh nặng của căn bệnh đáng sợ này tại các bệnh viện khi tỉ lệ nhập viện luôn chiếm 50-70% trong các đợt dịch bùng phát.

Việt Nam là nước thứ hai của Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới tự sản xuất được vaccine Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.

PGS-TS Lê Thị Luân được đánh giá là nhà khoa học nữ có đóng góp hàng đầu trong nghiên cứu, sản xuất vaccine ở Việt Nam và nổi tiếng thế giới với sản phẩm vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota “made in Việt Nam” xuất khẩu ra nước ngoài.

Suốt 16 năm nghiên cứu, bác sĩ Lê Thị Luân cùng đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng giống virus Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vaccine Rota, giúp Việt Nam chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu cho sản xuất vaccine cập nhật quốc tế, không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại.

Với công trình nghiên cứu này, bà được giải thưởng danh giá Kovalevskaia cho các nữ nhà khoa học xuất sắc nhất. Đặc biệt, công trình nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Luân và các đồng nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: “Quy trình tạo chủng giống gốc virus Rota giảm độc lực để sản xuất vaccine ngừa bệnh tiêu chảy cấp”.

Kết quả của đề tài này cũng đã được công bố trên rất nhiều tạp chí của ngành y tế và tạp chí uy tín quốc tế về lĩnh vực y học dự phòng.

Trên thị trường, giá bán vaccine Rota do Việt Nam sản xuất chỉ bằng một phần ba giá nhập ngoại. Đây không chỉ là thành công của PGS.TS Lê Thị Luân mà là thành tựu to lớn ngành y học.

Việt Nam là nước thứ hai của Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vaccine Rota với công nghệ cập nhật quốc tế.

Theo tính toán, với thành công của PGS.TS Lê Thị Luân cùng các đồng sự, Việt Nam giảm 5.300 - 6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota.

Quan trọng hơn, việc tự sản xuất được vaccine rota giúp nước ta tiết kiệm được 5,3 triệu USD chi phí khám chữa bệnh do rota virus gây ra.

Vaccine Rotavin-M1 được Bộ Y tế cấp phép và đưa ra thị trường từ tháng 5/2012. Đến nay đã có hàng ngàn trẻ em tại 60 tỉnh, thành phố được tiêm vaccine Rotavin-M1. Nếu vaccine này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm có thể đáp ứng được với số lượng 3-4,5 triệu liều/năm. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong khoảng 2,5 triệu lượt trẻ em bị tiêu chảy hàng năm trên thế giới, có 8% bị tử vong và trong đó 80% trẻ tử vong ở độ tuổi dưới 2 tuổi. Nếu không được phòng bệnh kịp thời, mỗi ngày lại có hàng nghìn trẻ em bị tử vong do tiêu chảy. Việt Nam cũng là một trong nhiều nước đang phát triển chịu tổn thất lớn do bệnh tiêu chảy gây ra.
Cũng theo WHO, trong những bệnh được công bố ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Mỗi năm có khoảng 1.100 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy./.

PV/VOV.VN (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết