Tiếng Việt | English

06/01/2016 - 09:14

Vui, buồn nghề kinh doanh qua mạng

Không mất chi phí thuê mặt bằng, không phải đóng thuế và chủ động được thời gian là những lý do mà giới trẻ ngày nay chọn lựa con đường kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp với nghề buôn bán online, ngoài những thuận lợi, nhiều bạn trẻ cũng từng gặp phải chuyện dở khóc, dở cười...

Kinh doanh qua mạng – con đường kinh doanh mà nhiều bạn trẻ ngày nay chọn lựa

1. Cách đây hơn 1 tháng, bạn Nguyễn Thị Mai Huỳnh ở huyện Đức Hòa, chọn kinh doanh mỹ phẩm qua mạng như một nghề tay trái kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, Mai Huỳnh là nhân viên kiểm hàng của Cty Nutifood. Lập gia đình hơn nửa năm, vợ chồng Huỳnh hiện đang ở trọ gần Cty tại tỉnh Bình Dương nên theo lời Huỳnh: “Để có thêm khoản tiền trang trải chi phí thuê nhà trọ, tôi chọn kinh doanh mỹ phẩm qua mạng với tiền lời mỗi tháng hơn 1 triệu đồng”.

Mai Huỳnh chọn mỹ phẩm để kinh doanh vì “mỹ phẩm chỉ cần tìm hiểu nguồn gốc, chất lượng, địa chỉ Cty rõ ràng thì dễ kinh doanh hơn”.

Trên thị trường bây giờ cũng có nhiều loại mỹ phẩm nhưng Mai Huỳnh chọn các dòng mỹ phẩm của nhãn hàng Swhite để bán vì được Viện Pastuer chứng nhận, bản thân sử dụng thấy hiệu quả nên khi kinh doanh cũng an tâm. Các dòng mỹ phẩm này chủ yếu là kem dưỡng da, ủ tóc, bột trắng răng,... Để thu hút khách hàng, Mai Huỳnh nghiên cứu kỹ thành phần, công dụng của từng dòng sản phẩm để quảng cáo qua facebook cá nhân.

Từ những lượt like, bình luận, bạn bè trên facebook mà nhiều khách hàng quan tâm, đặt mua mỹ phẩm. “Tôi không lấy hàng trước mà chỉ khi nào có khách đặt thì lấy về, giao hàng nên không bỏ vốn trước. Nếu là bạn bè trong huyện thì không phải tốn phí, còn khách ngoài tỉnh thì thu thêm phí gửi là 30.000 đồng. Không phải bỏ vốn, không phải thuê mặt bằng và chịu thuế, lại chủ động được thời gian ngoài những lúc làm ở Cty nên tôi thấy có nhiều thuận lợi”, Mai Huỳnh chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, khi hỏi về những rủi ro trong con đường kinh doanh qua mạng, Mai Huỳnh cười: “Vì mới tập tành, chủ yếu bán cho khách là bạn bè quen nên chưa có trường hợp không may xảy ra. Nếu gặp khách hàng đặt mua mà không nhận sản phẩm hay không trả tiền thì bưu điện sẽ gửi sản phẩm lại và mình mất phí gửi”.

2. Không may mắn như Mai Huỳnh, Bạch Trúc vài lần dở khóc, dở cười khi kinh doanh áo quần qua mạng. Cách đây vài tháng, khi gửi hàng về tỉnh Lâm Đồng theo đơn đặt hàng nhưng mấy ngày vẫn không nhận được tiền. Gọi điện thoại khách hàng không nghe máy, vào facebook nhắn tin thì khách hàng đổi tên tài khoản nên Bạch Trúc ngậm ngùi nhận lại hàng và chịu tiền phí gửi đi.

Ngoài việc gặp những khách hàng “lừa đảo”- theo lời Bạch Trúc, dù mua bán online nhưng Bạch Trúc có cam kết là hàng miễn đổi trả nên khi nhận hàng, nhiều khách chê sản phẩm xấu, không vừa ý. Điều này làm cho những người chọn con đường kinh doanh qua mạng như Bạch Trúc rất khó tạo dựng lượng khách hàng thân thiết cũng như tăng lượng khách.

“Bây giờ, việc kinh doanh quần áo qua mạng nở rộ nên cùng một loại sản phẩm có nhiều trang mạng đăng với giá khác nhau nên khách hàng thường chọn mua những mặt hàng ở các trang có giá rẻ hơn. Vì vậy, nghề này tuy mang lại thu nhập khá (hơn 5 triệu đồng/tháng) nhưng cũng lắm khó khăn trong việc tạo dựng lòng tin của khách hàng”, Bạch Trúc cho biết.

Dù thế, Bạch Trúc vẫn chọn con đường kinh doanh qua mạng vì vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh, vừa linh hoạt thời gian vì còn phải chăm con nhỏ. Và để buôn bán dài lâu qua mạng xã hội, theo Bạch Trúc, người bán cũng phải tạo uy tín với khách hàng. Ngoài đăng quảng cáo, giá cả, hình ảnh quần áo do người mẫu mặc thì phải đăng sản phẩm thật cho khách hàng tham khảo, chọn lựa. Có như vậy, khách hàng sẽ tin tưởng hơn./.

Thùy Hương-Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích