Tiếng Việt | English

06/10/2016 - 16:30

Xây dựng con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhìn lại lịch sử 86 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta từ chỗ bị xóa tên trên bản đồ thế giới trở thành một dân tộc tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Thành công vĩ đại ấy chứng minh sức mạnh vô tận của dân tộc, của con người
Việt Nam và cũng là thành công của sự nghiệp xây dựng con người của Bác Hồ: Có lực lượng của dân, việc to tát mấy cũng làm được.

Dân tộc ta đang đứng trước thời cơ và thách thức mới không kém phần quyết liệt. Vậy làm thế nào để trong một thời gian không xa, dân tộc ta tiến lên ngang hàng với các nước đang phát triển tốp đầu, rồi trở thành nước phát triển trên thế giới? Bác trả lời rất rõ ràng mà nhiều khi cán bộ, đảng viên ta không nhớ. Đó là: Dân là gốc, dân là chủ, có dân là có tất cả. Đại hội VI đề ra đường lối đổi mới, rút ra bài học lịch sử "Lấy dân làm gốc", đồng thời nhấn mạnh phải làm theo quy luật, đoàn kết toàn dân, tiến lên theo ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH.


Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Trải qua nhiều cố gắng và sự sáng tạo, đến nay, công cuộc đổi mới đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Con người Việt Nam giàu tiềm năng, sáng tạo, là thế mạnh nhất của nước ta nhưng chưa được phát huy nhiều mặt: Về thể chất, về trình độ giáo dục và khoa học,... lại đang đứng trước không ít khó khăn, yếu kém, đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức đến mức báo động ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; công ăn việc làm của người lao động cũng còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều hộ nghèo.

Do vậy, một vấn đề đặt ra là cần phải có sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng quyết định của chính sách giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, phải thật sự xem chiến lược con người là chiến lược số một, vì con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, động lực của mọi động lực. Nhiệm vụ cấp tốc phải làm ngay là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài. Thực tế chúng ta đang thực hiện nhưng kết quả chưa nhiều.

Để làm việc đó, phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, gắn chặt hơn nữa học với hành, dạy chữ gắn với dạy nghề và dạy người, nhà trường gắn với gia đình và xã hội. Phải tăng đầu tư cho giáo dục, khoa học, y tế và văn hóa, các công trình liên quan đến đào tạo con người, từ ngân sách Nhà nước và từ nhiều nguồn khác. Kết quả đầu tư góp phần giải phóng và phát triển con người - Lực lượng sản xuất chủ yếu nhất, tạo năng lực mới đi vào công nghệ hiện đại.

Ngay bây giờ, cần phải có kế hoạch tiếp tục và khẩn trương nghiên cứu chiến lược con người một cách cơ bản, đề ra những chính sách, cơ chế cụ thể để đào tạo và sử dụng con người. Tiến tới bảo đảm sự hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi bằng một hệ thống pháp luật theo tinh thần dân chủ và công bằng. Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta huy động được sức mạnh vô tận của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, để đất nước tiếp tục ổn định, phát triển, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục giành thắng lợi mới.

Như thấy trước tất cả tính chất khó khăn, phức tạp của công việc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, trong phần bổ sung của “Di chúc”, Bác viết: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Tư tưởng và sự nghiệp “trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là trọn vẹn và nhất quán như chính cuộc đời của Người. Bài học Người để lại cho chúng ta thật sâu sắc: “Gốc có vững thì cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”./.

Nguyễn Anh Chiến

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích