Tiếng Việt | English

02/09/2023 - 07:00

Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023):

Xây dựng Nhà nước 'của dân, do dân, vì dân' trong giai đoạn cách mạng mới

Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 khẳng định, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Vì vậy, phải xây dựng nhà nước tiêu biểu đại diện cho ý chí và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam, quyết tâm mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ lâm thời khi quyết định đặt tên Nhà nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời cũng xác định mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Độc lập, tự do, hạnh phúc là vấn đề chiến lược lâu dài và là sự thống nhất trong bản chất nhà nước cách mạng. Bản chất đó phải được bảo đảm bởi chế độ dân chủ thật sự. Bản chất dân chủ và pháp quyền của nhà nước cách mạng được kết hợp ngay từ buổi đầu xây dựng và vận hành.

Nhà nước Việt Nam độc lập phải phấn đấu vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Ngày 17/10/1945, trong thư gửi UBND các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thành quả to lớn của cách mạng là bẻ gãy xiềng xích nô lệ, giành được độc lập, tự do. Người nêu rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Chính vì vậy, ngay từ buổi đầu, Nhà nước đã tập trung sức của cả nước tiến hành kháng chiến ở Nam bộ và sau đó là trên toàn quốc để giữ vững nền độc lập vừa mới giành được. Nhà nước cũng động viên và huy động sức mạnh của toàn dân để sản xuất, khôi phục nền kinh tế, khắc phục nạn đói, cứu dân nghèo; tập trung xóa nạn mù chữ, mở mang giáo dục để nâng cao dân trí. Các quyền tự do dân chủ, quyền sống của con người được bảo đảm nhằm động viên cả dân tộc xây dựng chế độ mới, đời sống mới.

Bản chất của nhà nước cách mạng là nhà nước không phải là tổ chức để cai trị dân mà là cơ quan để phục vụ nhân dân, cán bộ là công bộc của dân. Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân đối với nhà nước, đất nước và xã hội. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của người dân và phải thật sự vì dân. Điều này được thể hiện trong hành động chứ không phải ý tưởng. Đó là nhận thức hoàn toàn mới về nhà nước.

Nhà nước cách mạng kiểu mới đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, nhân viên, công chức có đạo đức, tận tụy, “dĩ công vi thượng”; đồng thời, phải loại bỏ những người thoái hóa, biến chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tẩy trừ những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô, để dân tộc Việt Nam thật sự văn minh, thông thái và có đạo đức. Người đã chỉ ra những lầm lỗi của cán bộ chính quyền, đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người yêu cầu đội ngũ cán bộ chính quyền phải nghiêm túc nhận rõ những khuyết điểm của mình, từ đó, ra sức sửa chữa, khắc phục.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên dẫn tới biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực trạng đó “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để tăng cường sức mạnh từ bản chất cách mạng của Nhà nước trong công cuộc đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn cách mạng mới: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN; hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều vận hội mới, thời cơ mới nhưng cũng đan xen nhiều thử thách, khó khăn. Hơn lúc nào hết, Đảng ta, nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Long An nói riêng phải phát huy, kế thừa những bài học kinh nghiệm vô giá từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhất là bài học xây dựng nhà nước kiểu mới, trong đó, trọng tâm là phải phát huy được sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên cho được mọi tầng lớp xã hội vào cuộc chiến đấu xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành công của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào chính nhân dân - người làm chủ đất nước./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết