Lãnh đạo UBND phường 4, TP.Tân An đến thăm, trao quà cho người dân gặp khó khăn tại các nhà trọ. Ảnh Thu Ngân
Nỗ lực hạ nhiệt “điểm nóng”
Thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bắt đầu xâm nhập vào địa phương, Trưởng ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Huỳnh Hữu Nhờ di chuyển như “con thoi”.
Ông Nhờ nhớ lại: “Mỗi khi địa bàn ghi nhận trường hợp nghi nhiễm Covid-19, tôi chủ động phối hợp các lực lượng ở xã tham gia phong tỏa, truy vết các F bất kể thời gian. Công tác truy vết các F là hoạt động quan trọng nhằm phát hiện người bệnh, người nghi nhiễm và người có nguy cơ cao để tách F0 ra khỏi cộng đồng”.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin góp phần phòng, ngừa dịch bệnh
Làm Trưởng ấp, là thành viên nòng cốt của Tổ Covid cộng đồng ấp, ông Nhờ thường xuyên bám địa bàn để nắm được những tâm tư của người dân. Khi vận động người dân tham gia tầm soát Covid-19, ông luôn giải thích để mọi người hiểu về những lợi ích của việc tầm soát.
Qua đó, sẽ nắm được tình hình sức khỏe của bản thân; nếu nhiễm bệnh sẽ được đi điều trị sớm; địa phương sẽ nhanh chóng khoanh vùng, tách F ra khỏi cộng đồng, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi khi có lịch tiêm vắc-xin, ông Nhờ lại nhắc nhở mọi người đi tiêm đúng ngày, đúng giờ và tuân thủ nguyên tắc “5K”.
Từng là một trong những địa phương “vùng đỏ”, xã Long Hiệp đã chuyển “vùng xanh” từ ngày 22/9/2021 đến nay. Hiện tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm phát sinh chủ yếu ở các khu phong tỏa, nhà trọ, tất cả đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong chia sẻ, ông Nhờ là một trong số rất nhiều trường hợp đã luôn “sát cánh” cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Để chuyển “vùng xanh” đòi hỏi sự huy động sức mạnh, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Khi giãn cách, địa phương thành lập 4 chốt kiểm soát; 2 tổ tuần tra lưu động; 70 tổ Covid cộng đồng; 6 tổ hướng dẫn tổ Covid cộng đồng; 1 tổ truy vết các F; 2 đường dây nóng để tiếp nhận những ý kiến, đề xuất của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập trạm phân phối oxy lưu động gồm 3 bình oxy, trang thiết bị vật tư y tế, nhân lực,... để phục vụ điều trị người nhiễm Covid-19.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 xã luôn bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và sự chỉ đạo của cấp trên. Theo đó, xã luôn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và kiên trì 5 nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả”; đồng thời, triển khai, thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
“Hiện tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, kiên quyết giữ vững “vùng xanh” an toàn, không để dịch Covid-19 xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Từng bước mở cửa, phục hồi phát triển KT-XH nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tình hình mới” - ông Phong nhấn mạnh.
Không để người dân thiếu ăn
Trong những ngày TP.Tân An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuộc sống thường nhật của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Bình Tâm, TP.Tân An - Phạm Thụy Hy Vọng và nhiều hội viên có phần thay đổi. Gác lại công việc riêng, bà Vọng cùng mọi người tích cực tham gia hỗ trợ các điểm test Covid-19 cộng đồng, tiêm vắc-xin và nhiều nhiệm vụ khác khi được Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 xã phân công.
Song song đó, với tinh thần trách nhiệm và trái tim yêu thương mọi người, bà còn tích cực vận động mạnh thường quân kinh phí để tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trong ấp 1.
Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Bình Tâm - Phạm Thụy Hy Vọng, không thể “khoanh tay đứng nhìn” các lực lượng ở xã ngày, đêm phòng, chống dịch nên bà phát động hội viên kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Không phân biệt người trong hay ngoài Chi hội Phụ nữ ấp, chỉ cần thật sự khó khăn là hỗ trợ. Tuy có giá trị không lớn nhưng mỗi phần quà đều được phân chia cẩn thận và chở đến tận nhà người dân, Chi hội trao hơn 1,5 tấn gạo; trên 200 phần rau, củ, quả và nhiều nhu yếu phẩm như nước tương, nước mắm,...
Là một trong những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất trên địa bàn TP.Tân An, xã Bình Tâm luôn dốc mọi nguồn lực chăm lo đời sống cho người dân gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Tâm, TP.Tân An - Nguyễn Hữu Kỳ cho biết: “Ngoài nỗ lực làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xã còn quan tâm thực hiện các chính sách chăm lo đời sống cho người dân trên địa bàn với quyết tâm không để ai bị thiếu ăn.
Bên cạnh sự “tiếp sức” của tỉnh và thành phố, xã còn tích cực kêu gọi, vận động mạnh thường quân tài trợ lương thực, thực phẩm tặng người dân với tổng trị giá 892,5 triệu đồng; tiếp nhận trên 34,2 triệu đồng cho Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 và 20 triệu đồng cho Quỹ Vắc-xin. Đồng thời, xã triển khai, thực hiện việc giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định”.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, xã Bình Tâm tiếp tục duy trì mô hình Bữa sáng yêu thương miễn phí vào ngày 15 Âm lịch hàng tháng để hỗ trợ người dân khó khăn. Công tác chăm lo đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, gia đình chính sách,... trên địa bàn được quan tâm thực hiện.
Ngoài ra, xã còn tích cực tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo để bảo vệ thành quả chống dịch.
Bảo vệ, giữ vững “vùng xanh”
Nhắc nhở người dân trong khu phố chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của cơ quan chức năng, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn bên trong các khu vực thuộc địa bàn quản lý,... là nhiệm vụ quen thuộc của Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa - Thi Văn Đức.
Tổ Covid cộng đồng tuyên truyền, nhắc nhở người dân ý thức tham gia phòng chống dịch; nắm tình hình dịch bệnh sâu sát từ cơ sở. Ảnh: Thu Ngân
Khu phố 3 Nhà Thương có 390 hộ dân với 1.803 nhân khẩu, đây là địa bàn chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng, chống dịch, ông Đức còn vận động người dân làm các hàng rào, chốt kiểm soát trên địa bàn khu phố, qua thực hiện có 7 điểm được thành lập.
Ông Đức cho biết: “Trước đây, bên cạnh hỗ trợ địa phương trực tại các chốt kiểm soát chính trên địa bàn thị trấn, khu phố còn bố trí lực lượng trực tại các chốt phụ để quản lý người dân ra, vào địa bàn. Đối với các chốt chính tham gia trực 24/24 giờ, chốt phụ trực từ 6-18 giờ. Buổi tối, sẽ rào chốt phụ lại, người dân sinh sống ở gần khu vực cổng được bố trí giữ chìa khóa, trường hợp có việc khẩn cấp cần đi lại thì liên hệ vào số điện thoại của người giữ chìa khóa được ghi trên cổng”.
Thị trấn Thủ Thừa có 3.680 hộ với 17.162 nhân khẩu được phân bổ trên địa bàn 9 khu phố. Trước ngày 24/8/2021, địa phương ghi nhận 5 ổ dịch Covid-19 nên đã tập trung rà soát các khu vực có ổ dịch để khoanh vùng, tầm soát, tách bóc F0 ra khỏi cộng đồng; đồng thời, thành lập các chốt kiểm soát để quản lý người dân ra, vào địa bàn.
Việc giữ vững, bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Từ “vùng vàng” nay thị trấn đã nỗ lực trở thành “vùng xanh”, góp phần đưa huyện Thủ Thừa trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Thủ Thừa - Huỳnh Thanh Vũ thông tin, để mỗi người dân trở thành một “chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch, đòi hỏi cán bộ ở cơ sở phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Song song đó, thị trấn Thủ Thừa luôn đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin khi được phân bổ, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe người dân. Đến nay, việc sản xuất, kinh doanh và một số loại hình dịch vụ trên địa bàn đã dần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, địa phương vẫn thường xuyên thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng cũng không nên chủ quan, lơ là trong phòng dịch.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh được tập trung quyết liệt ngay từ cơ sở. Những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch ở tỉnh hiện nay có sự đóng góp tích cực của hệ thống chính trị, xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố và người dân trên địa bàn.
Hiện trở lại trạng thái “bình thường mới”, các địa phương vẫn không ngừng nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19./.
Hoài An