Tiếng Việt | English

26/04/2021 - 07:49

Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai

Suốt 46 năm qua, cứ đến ngày 30/4, một thiểu số người Việt lưu vong ở nước ngoài lại tụ tập dưới những lá cờ ba que không còn đại diện cho đất nước nào để “nhai đi, nhai lại” điệp khúc bi thương “kỷ niệm ngày mất nước”, ngày “quốc hận”, ngày “Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam” và họ gọi - tháng tư là tháng “vo gạo bằng nước mắt”, “tháng quốc hận, tháng tư đen”.

Rồi sau lễ tưởng niệm ồn ào kèn, trống là các cuộc hội thảo với các luận điểm bịa đặt: “46 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Sứ mệnh của tuổi trẻ sẽ phải tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ,…”. Cùng phụ họa với “dàn đồng ca” trên là truyền thông hải ngoại BBC, RFA, RFI, VOA,... và hàng ngàn trang mạng tổ chức, cá nhân thù địch khác cũng ùa theo, họ coi cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc “tử tế”.

Trong khi trên thực tế ngày 30/4/1975 là ngày Việt Nam giành lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất nước nhà sau gần 1 thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ và sau một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên “cường quyền thắng công lý” của ngoại bang. Ngày 30/4/1975, không chỉ có nghĩa là ngày giành độc lập, thống nhất nước nhà mà còn là ngày người dân Việt Nam hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào,...

Mừng ngày vui đại thắng

Có thể khẳng định rằng, ngày 30/4/1975 là mốc son vĩ đại trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đó là thành quả của ý chí đoàn kết “muôn người như một” và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc. 46 năm trôi qua kể từ ngày 30/4 lịch sử, đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, non sông liền một dải đang ngày càng ổn định, phát triển và vươn lên.

Thế mà đáng tiếc, 46 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, vẫn còn những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử, cố tình bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Họ kêu gào hòa hợp dân tộc không chỉ dừng lại ở hòa hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và “thua cuộc” mà phải là hòa hợp giữa những thành phần tham gia chính quyền (tức là giữa những “nhà dân chủ” với chính quyền hiện nay). Họ vu khống: Chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp, hòa giải”. Họ mong muốn “ngày 30/4 sẽ chuyển thành ngày tưởng niệm những mất mát của dân tộc, đừng nói chuyện ai thắng, ai thua”. Rồi hô hào biến ngày 30-4 từ “quốc hận” trở thành “tinh thần quốc kháng” để chống lại chế độ cộng sản. Trên thực tế, chỉ một bộ phận nhỏ tay sai thua trận, mang nặng hận thù và những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày nay mới tin vào những luận điệu như chiến tranh ý thức hệ, nội chiến hay quan điểm lập lờ “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”.

Cho dù cuộc kháng chiến đã lùi xa 46 năm hay lâu dài hơn nữa thì lịch sử dân tộc và thế giới đều ghi nhận và chúng ta phải luôn khẳng định, tự hào về thắng lợi của một cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ, vĩ đại vì nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh phản bác lại những luận điệu bôi đen lịch sử về chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của dân tộc mà các thế lực thù địch đang dày công xuyên tạc. Những luận điệu đó hoàn toàn đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, mỗi chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Cần phải có tiếng nói đúng với lương tâm và lẽ phải. Quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, là sức mạnh tinh thần, là dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách của mỗi người dân đất Việt. Nếu quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, quên những hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc thì không thể là người Việt Nam chân chính./.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết