Tiếng Việt | English

08/03/2023 - 16:34

Ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (phần 1)

Ban Thường vụ Hội Luật gia tỉnh Long An đã chỉ đạo và tổ chức đóng góp Luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Dưới đây là một số nội dung đóng góp cụ thể cho dự thảo luật này.

1. Về Quy định chung (Chương I)

- Tại Điều 9 (Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai)

Đề nghị thể hiện như Điều 9 Luật hiện hành, tức là có đoạn mở đầu của điều luật trước khi quy định các khoản 1,2,3. Theo đó, cần bổ sung cụm từ mở đầu “Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, tiền vốn, vật tư, khoa học công nghệ,… vào các việc sau đây nhằm mục đích”. Sau đó mới nêu các quy định tại các khoản 1,2,3,4,5 (Nâng cao hiệu quả sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn,…).

- Tại Điều 12 (Những hành vi bị nghiêm cấm)

Đề nghị bổ sung cụm từ “Thực hiện không đúng các quy định của Luật này và pháp luật có liên quan về việc lập, thẩm định, quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và” vào đầu khoản 2. Tiếp theo mới là quy định “thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố” như dự thảo luật.

Lý do bổ sung: Hành vi trên của một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở một số nơi đã xảy ra trên thực tế, gây hệ lụy không tốt, nhưng không được ngăn chặn và xử lý nghiêm do pháp luật thiếu quy định chặt chẽ. Đồng thời cũng để phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 13 Luật Quy hoạch (khoản 1: cấm  lập, thẩm định,… không phù hợp với quy hoạch của luật này và pháp luật có liên quan).

- Tại Điều 20 (Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất)

+ Về bố cục, thống nhất cao với việc dự thảo đã đưa quy định vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất từ Chương XIII, chương áp chót của Luật hiện hành lên Chương I, chương đầu tiên của dự thảo. Điều này là phù hợp nhằm đề cao hơn vai trò của các chủ thể này.

+ Về nội dung, dự thảo đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định rất hay và phù hợp, nhất là vai trò, trách nhiệm của MTTQ tham gia xây dựng, phản biện, giám sát chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp, về các trường hợp thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cưỡng chế thu hồi đất; tham gia xây dựng bảng giá đất,…

Riêng với quy định MTTQ tham gia Hội đồng thẩm định giá đất như dự thảo, có ý kiến còn băn khoăn vì nghĩ MTTQ sẽ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Theo chúng tôi quy định này là cần thiết. Bởi vì, MTTQ tham gia ở đây là trực tiếp thay mặt các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng bảng giá đất; đồng thời, giám sát xem Hội đồng này có thực hiện đúng quy trình, quy định hay không. Còn việc giám sát sau này của MTTQ là giám sát việc thực thi bảng giá đất, qua đó kiến nghị làm tốt hơn hoặc sửa đổi bảng giá đất năm sau cho phù hợp.

2. Về Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất (Mục 3 Chương III)

Về hộ gia đình sử dụng đất: Luật hiện hành có quy định, nhưng dự thảo Luật bỏ đối tượng này. Tuy nhiên, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì do chủ thể này có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và thực tế hiện nay còn nhiều giấy tờ ghi tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình.

Chúng tôi thống nhất với dự thảo bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì thực tiễn việc sử dụng đất chủ yếu do cá nhân, tổ chức thực hiện; đồng thời, quyền, nghĩa vụ có liên quan hay các giao dịch dân sự chủ yếu xuất phát từ cá nhân hay tổ chức thực hiện.

Loại ý kiến băn khoăn như trên là có căn cứ lịch sử và dự thảo Luật cũng quan tâm đối tượng này bằng việc quy định tại khoản 3 Điều 234 (Quy định chuyển tiếp), theo đó “hộ gia đình,… trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 01/7/2014, khi hết thời hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 166 của Luật này…”. Xử lý như dự thảo là vẫn đảm bảo việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình sử dụng đất.

3. Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Chương VI, Chương VII)

a. Về việc lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

- Nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Điểm a, khoản 3, Điều 85 dự thảo, bổ sung quy định về thời hạn thực hiện lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với một số trường hợp đặc biệt.

- Đề xuất phương án sửa đổi: Đề nghị dự thảo quy định rõ thời hạn thực hiện lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cũng như thời hạn kết thúc việc lấy ý kiến đối với những trường hợp có ý kiến chưa thống nhất với phương án.

Ngoài việc lấy ý kiến bằng hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi; đồng thời, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi như dự thảo Luật, đề nghị bổ sung hình thức lấy ý kiến bằng hình thức gửi trực tiếp đến từng hộ dân có đất thu hồi, để có đủ thời gian, xem xét, đánh giá tính phù hợp của phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Lý do của việc sửa đổi: Đảm bảo tính thống nhất, công bằng, nhất quán giữa các chủ thể có đất bị thu hồi.

b. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:

* Nội dung thứ nhất:

- Nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Điều 83, 85 của dự thảo.

- Đề xuất phương án sửa đổi: Đề nghị dự thảo bổ sung quy định về gửi Quyết định thu hồi đất cho từng chủ thể có liên quan trong khu vực thu hồi đất, hiện dự thảo chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất quyết định thu hồi đất, chưa có quy định việc gửi Quyết định thu hồi đất. Và việc gửi Quyết định thu hồi đất đồng thời được thực hiện với gửi Quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Đồng thời, đề nghị dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết ban hành các biểu mẫu thực hiện có liên quan, kể cả tài liệu chứng minh việc người vi phạm đồng ý thu hồi đất trước khi hết thời hạn thông báo thu hồi đất theo quy định.

- Lý do của việc sửa đổi: Để thuận tiện trong việc triển khai các quy định khi Luật được thông qua.

* Nội dung thứ hai:

- Nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2, Điều 89 dự thảo “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, Quy định này là phù hợp với nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước trước nay; đồng thời, cũng phù hợp với lòng dân. Song, dự thảo Luật quy định cũng còn chung chung và tính khả thi không cao.

- Đề xuất phương án sửa đổi: Cần thể chế hóa cho rõ hơn các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, nhất là các tiêu chí thế nào là "tốt hơn nơi ở cũ''; đồng thời, việc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nên thể hiện theo hướng Nhà nước “tạo điều kiện” (đảm bảo thì rất khó), vì để có được bằng hoặc tốt hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì người dân phải tự thân vận động, phấn đấu là yếu tố quyết định.

- Lý do đề nghị sửa sửa đổi: Quy định phải cụ thể hơn, phù hợp hơn để có tính khả thi.

* Nội dung thứ ba:

- Nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 3, Điều 89 dự thảo “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở”.

- Đề xuất phương án sửa đổi: Việc bồi thường đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền "theo giá đất thị trường'' của loại đất thu hồi do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thay vì “bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi'”.

Đồng thời, cần nêu rõ hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở “có giá trị tương đương tại thời điểm bị thu hồi”' thay vì chỉ nêu “nhà ở” như dự thảo.

- Lý do của việc sửa đổi: Đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất.

* Nội dung thứ tư:

- Nội dung cần bổ sung, sửa đổi: Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 5, Điều 89 dự thảo “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.

- Đề xuất phương án sửa đổi: Nghiên cứu bổ sung nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm tính nhất quán giữa các cá nhân, chủ thể có đất bị thu hồi.

- Lý do của việc sửa đổi: Việc hỗ trợ tái định cư cần nhất quán, không để xảy ra tình trạng người chấp hành tốt chịu thiệt thòi, người chay ỳ, không chấp hành lại được hỗ trợ, bố trí tốt hơn, dẫn đến so bì, khiếu kiện./.

(Còn tiếp)

Đặng Văn Xướng (Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích