Sáng 05/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển Công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề “Định hình & Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”.
Cùng dự có Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; trên 1500 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đại sứ quán, chuyên gia quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức trong hai ngày 4 và 5/12. Trong đó, Triển lãm về công nghệ công nghiệp 4.0 thu hút gần 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: tự động hóa, robot, công nghệ thông minh, nông nghiệp, y tế, giáo dục, fintech, phần mềm...
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…
Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, đa số các dịch vụ công đã chuyển sang trực tuyến (với tỷ lệ 88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 vào năm nay. Hiện có khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên nhiều thách thức đặt ra với nền kinh tế Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa có tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và chuyển đổi thông minh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ thông minh, công nghệ thông tin. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu” – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại triển lãm
Thách thức khác mà Thủ tướng nêu lên đó là Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất kinh doanh.
Trước thách thức đó, Thủ tướng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Từ quan điểm đó, Thủ tướng chỉ ra một số nội dung trọng tâm cần thực hiện, trong đó cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số. Tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ “Made in Viet Nam” chinh phục thị trường trong nước, thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại triển lãm
Đánh giá cao 3 chuyên đề của hội thảo, là Đổi mới các ngành sản xuất với công nghệ đột phá; Thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số; và Phát triển đô thị thông minh, Thủ tướng mong các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận, chia sẻ quan điểm để làm rõ một số nội dung cụ thể đối với Việt Nam.
Trong đó, xác định xem Việt Nam đang ở đâu?. Cụ thể là thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, các tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, các lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp. Cùng với đó là xác định xem Các nước đang làm gì? Cụ thể là chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN. Và nội dung nữa là xác định xem Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh?./.
Vũ Dũng/VOV.VN