Tiếng Việt | English

11/12/2020 - 08:20

“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi đảng viên”

"Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng" - đây là yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Những lời nói tâm huyết từ trái tim của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khiến cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo, những Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng phải suy nghĩ và hành động cho xứng đáng với mong mỏi và danh dự của người đảng viên cộng sản, bởi: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.


Bài học về kỷ luật gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý thời gian qua cho thấy, tất cả đảng viên dẫu ở cương vị nào, trọng trách nào cũng không được buông lỏng tinh thần tự rèn luyện. (Ảnh: KT)

"Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ"; "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì đời  người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, không hổ thẹn - đó là chân lý sống, lẽ sống của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" - một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Liên Xô (cũ) Nikolai A.Ostrovsky, một trong những cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam.

Đọc và hiểu sâu sắc về tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”, Tiến sỹ Cao Đức Thái, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, đã có một thế hệ thanh niên Việt Nam sống theo tinh thần của Pavel và ngày nay lại càng cần điều đó. Bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào, việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức để giữ bản lĩnh, niềm tin và lý tưởng luôn là điều cần thiết.


TS Cao Đức Thái 

“Đã là thanh niên, phải đặt cống hiến lên hàng đầu, chứ không đặt hưởng thụ. Có lẽ đó là thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn nhắn nhủ. Phải tự rèn luyện khả năng trong hoàn cảnh khó khăn để có cống hiến. Có những lúc đứng trước những cám dỗ, quyền lợi thì đừng vì việc ấy mà thay đổi phẩm chất của mình”, Tiến sỹ Cao Đức Thái chia sẻ.

Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên, đó là: kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, coi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là thứ giặc nội xâm dù nó không mang gươm, mang súng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn mỗi cán bộ đảng viên, cán bộ cách mạng phải luôn giữ được phẩm chất và danh dự của người đảng viên, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đó mới là người cộng sản chân chính.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hữu Tiến, nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương phân tích: Danh dự là phẩm chất đạo đức, lòng tự trọng của một con người, cần phải thường xuyên xây đắp, tích tụ trong suốt cuộc đời.

“Điều chúng ta suy nghĩ không phải là bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ phẩm chất mà điều chúng ta lo ngại là tất cả chúng ta khi có điều kiện phức tạp thì liệu có giữ được phẩm chất hay không? Do đó, trước hết, phải có đạo đức cách mạng. “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trước hết đối với những người có trách nhiệm và sau đó toàn bộ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tiến nêu quan điểm.

Sự xúc động của người đứng đầu Đảng và Nhà nước khi nói về danh dự, trách nhiệm của đảng viên cộng sản mà người tiêu biểu nhất, tấm gương sáng nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi lên trong Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Bách, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiều trăn trở và suy ngẫm.

 “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã dẫn chứng câu của Nguyễn Đình Thi: “Trên ngực áo kia không có một tấm Huân chương, và sau làn vải ngực áo này có một trái tim”. Tố Hữu có câu “Mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Hình thức bề ngoài không quan trọng. Cái quan trọng nhất là bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và tất cả lý tưởng là vì nhân dân. Nhân dân chính là mục đích cao nhất của Đảng, Nhà nước và của dân tộc ta”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Bách chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại đặt ra yêu cầu về “Danh dự”, “Phẩm chất” trước Đại hội XIII của Đảng. Bài học về kỷ luật gần 100 cán bộ đảng viên thời gian qua cho thấy, tất cả đảng viên dẫu ở cương vị nào, trọng trách nào cũng không được buông lỏng tinh thần tự rèn luyện, bởi chỉ một phút mất cảnh giác là dẫn đến những hậu quả khó lường.

Chọn cán bộ cho Đảng là công việc khó và không hề đơn giản. Đó không chỉ là những cán bộ đạo đức tốt, có kiến thức, lập trường vững vàng mà Đảng còn đòi hỏi cán bộ phải được tôi luyện trong thực tiễn phải có đức, có tài, trong đó đức là gốc. Quan trọng hơn, khi được tôi rèn trong “lửa đỏ và nước lạnh” càng làm sáng lên “danh dự” và “phẩm chất cách mạng”. Đó là một quá trình, thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ để người đảng viên, nhất là người giữ trọng trách hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và trước nhân dân./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết