Dòng nhạc đỏ trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các hội diễn kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Ảnh Quế Lâm
Mười chín Tháng Tám - Chớ quên ngày khởi nghĩa
Nhắc đến những giai điệu hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám không thể nào không nhắc đến ca khúc Mười chín Tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh. Ngày 19- 8-1945, hòa cùng dòng người đổ về khu vực quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội để mít-tinh và hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa, giành chính quyền, vừa đi, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa sáng tác ca khúc Mười chín Tháng Tám. Ông dùng giấy báo cũ, vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ và hát vang để mọi người cùng hát theo. Bài hát với giai điệu hào hùng, ca từ mộc mạc, đặc biệt lời bài hát thể hiện được khí thế hừng hực của thời khắc bấy giờ nên nhanh chóng đi vào lòng người. Cũng trong ngày hôm đó, lời bài hát được in ra và phổ biến rộng rãi.
Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày.
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai.
Mười chín Tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét.
Tiến lên cùng hô: "Mau diệt tan hết quân thù chung!".
Mười chín Tháng Tám ánh sao tự do đưa tới.
Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng.
Máu tươi pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn.
Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề mười chín Tháng Tám.
Chớ quên là ngày khởi nghĩa, hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam.
Có tài liệu ghi rằng, lúc đó, có người hỏi nhạc sĩ Xuân Oanh bài hát tên gì, ông mới nhớ ra rằng mình chưa kịp đặt tên nhưng hòa cùng khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông lấy luôn ngày 19/8 để đặt tên cho bài hát. Thế là bài hát Mười chín Tháng Tám trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho quân và dân ta khắp mọi miền đất nước. Và cứ mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, giai điệu hào hùng của bài Mười chín Tháng Tám lại vang lên khắp nơi như nhắc nhớ lại những ngày tháng hào hùng và niềm vui của ngày đại thắng.
Một ca khúc đã làm nên lịch sử mà không người Việt Nam nào không biết đến đó là bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca được sáng tác vào những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với niềm tin cách mạng sẽ thắng lợi. Vào ngày 19-8-1945, bài hát đã được vang lên trên khắp ngả đường thủ đô với giai điệu hùng hồn, thúc giục toàn dân cùng đứng lên, tiến về phía trước quét sạch bóng quân thù:
Đoàn Quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca...
Bài hát đã chính thức trở thành Quốc ca của Việt Nam. Suốt 77 năm qua, Tiến quân ca đã khẳng định sức sống, đồng hành cùng dân tộc ta qua bao thăng trầm, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Và cứ mỗi lần Quốc ca vang lên, mỗi người con đất Việt lại bồi hồi, dâng trào cảm xúc.
Dòng nhạc đi cùng năm tháng
Những ngày tháng 8, hòa cùng không khí sôi nổi kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, những giai điệu hào hùng của dòng nhạc cách mạng lại vang lên, làm sống dậy tinh thần quật cường, sục sôi hào khí Việt Nam.
Ca khúc Mười chín Tháng Tám được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông
Từ nay ra sức anh tài
(Lên đàng - Lưu Hữu Phước)
Anh em trong đoàn quân du kích cùng vác súng lên nào
Đi lên đi lên xuyên qua rừng qua núi
Trong mây mù đêm tối vượt suối băng ngàn.
Giặc tiến tới đây súng kia cùng nhau cướp lấy
Nhằm cùng nhau bắn mấy viên là mấy quân thù
Đi lên xung phong ta hợp cùng dân chúng
Cướp lấy phần chiến thắng giải phóng giống nòi.
(Du kích ca - Đỗ Nhuận)
Những giai điệu ấy như thôi thúc mỗi chúng ta tự hào về những năm tháng đấu tranh hào hùng mà gian khổ của cha ông. Ngày nay, bên cạnh dòng nhạc thị trường thu hút đông đảo khán giả trẻ thì dòng nhạc cách mạng (nhạc đỏ) vẫn có chỗ đứng riêng, bền bỉ với thời gian. Nhạc đỏ không chỉ chiếm trọn tình cảm của những khán giả lớn tuổi, từng tham gia cách mạng mà ngay cả những bạn trẻ cũng có người rất yêu thích dòng nhạc này.
Cô Quế Anh - giáo viên Âm nhạc tại một trường THCS ở TP.HCM, cho biết, điều đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ yêu thích dòng nhạc đỏ. Chính niềm yêu thích đó đã thôi thúc các bạn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử dân tộc, hoàn cảnh ra đời của những bản hùng ca. Trong quá trình giảng dạy, cô cũng lồng ghép giúp các em tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua những ca khúc cách mạng. Lúc còn dạy học ở Long An, cô Quế Anh từng là một trong những thành viên tích cực của Đội tuyên truyền ca khúc cách mạng tỉnh. Với cô, mỗi khi hát dòng nhạc đỏ luôn có một cảm xúc rất đặc biệt, bồi hồi, xúc động và thiêng liêng lắm!
Với những giai điệu hùng hồn, ca từ gần gũi, thời chiến, những ca khúc cách mạng thúc giục bước hành quân của người lính, là nguồn động viên hậu phương ở lại quê nhà. Từng lời ca thể hiện niềm khát khao hòa bình và ước mơ về một ngày sum vầy trong niềm vui chiến thắng. Thời bình, những ca khúc ấy có sức sống bền bỉ như minh chứng rằng những gì xuất phát từ tình cảm lớn lao, cao đẹp, gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc, đời sống của nhân dân sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng dẫu qua bao thăng trầm của lịch sử./.
Tâm An