Tiếng Việt | English

24/08/2024 - 19:30

Bánh quê

Bánh cam (Ảnh minh họa)

Trưa nắng nung người, gió hiu hiu thổi qua tàu lá chuối, khoảng sân nhà rực vàng hoa sao nhái, bên cánh võng đu đưa dưới tàn cây trứng cá, tiếng trưa như xao xác trong lòng người khi văng vẳng đâu đó lời rao chân chất: “Ai bánh cam, bánh còng,…?”. Ngôn ngữ thật thà, cô bán bánh cũng mộc mạc, đơn sơ với mâm bánh còn đầy đội trên đầu, giọt mồ hôi nhễ nhại trên đôi má rám nắng và vai áo phai màu - dấu vết của cuộc sống bươn chải, cần lao. Ánh mắt như cười, hồn hậu cô mời tôi mua bánh, nghe thân thương một thuở và nhung nhớ tuổi thơ dung dăng dung dẻ cùng chúng bạn nơi sân trường ngập nắng, miệng cắn ngập miếng bánh giòn tan, ngòn ngọt, tay nắm tay nhau chuyện trò ríu rít.

Lâu lắm rồi, thỉnh thoảng mới gặp lại hình ảnh bánh cam, bánh còng,… những món quà quê mà tuổi thơ tôi từng gắn bó, những buổi sáng nơi hiên nhà quạnh vắng chờ mẹ đi chợ mang về cho chiếc bánh nhỏ đơn sơ mà thơm thảo, ngọt lành. Ngày ấy, trước cổng trường tiểu học, các bà, các cô thường đội mâm bánh cam vàng ruộm, bánh còng thì tròn vo với lớp đường chảy mật phía trên chào mời những học trò nhỏ chỉ vừa đủ tiền cho một chiếc bánh, ăn hết rồi mà vẫn còn chép miệng. Đây là hai loại bánh được làm từ bột nếp và bột gạo nên ăn không ngán lại dẻo dai, thơm ngon. Để vỏ bánh ngon hơn, người ta còn cho thêm ít khoai lang vào trong phần bột pha chế. Ở giữa bánh có nhân đậu xanh, được tán nhuyễn trộn với đường cát vàng. Sau khi vo tròn thì đem chiên cho vàng đều giống như trái cam đang chín, không biết có phải vì vậy mà gọi là bánh cam không? Bánh còng thì không nhân nhưng được nặn giống như chữ o, giống như chiếc vòng đeo tay nên mới được gọi là bánh còng.

Những loại bánh này phải để trên chiếc mẹt bằng tre hoặc gói trong lá chuối thì mới hợp. Người bán thường để bánh trong một cái mâm rồi đội đi bán, giá cũng rẻ nên thường được bán cho học trò. Những buổi trưa đầy nắng, ngả mình trên chiếc võng kẽo kẹt hoặc ngồi dưới bóng râm cây khế, cây mít,… trong vườn rồi cùng nhâm nhi bánh cam, bánh còng với nước trà đậm, nghe câu vọng cổ thật mùi trên chiếc radio cũ thì mới thật là biết thưởng thức quà quê.

Cuộc sống bộn bề, phát triển cùng công nghệ hiện đại nên ít ai còn nhớ bánh quê. Nhưng mỗi khi thoảng nghe lời rao chân phương, mộc mạc gợi nhớ những món ăn bình dị đi cùng năm tháng tuổi thơ, chắc ai cũng bồi hồi, tâm hồn lại chất ngất bao kỷ niệm của một thuở ấu thơ nơi góc trời quê hương thương nhớ./.

Nguyễn Hồng Vân

Chia sẻ bài viết