Nếu ăn bánh xèo ở Lộc Giang, Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) sẽ thấy có rau nhái, bông súng, lá cóc, lá xoài, lá lụa,... kèm nước mắm chua ngọt. Nhân bánh thường là măng xào thịt gà
Chiều mưa! Tôi được người bạn hồi nhỏ học chung trường làng giới thiệu quán bánh xèo ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa. Lâu ngày không gặp, cả đám rủ sang quán bánh xèo thưởng thức hương vị quê nhà và tiện hàn huyên. Bánh xèo, nghe quen mà lạ, lạ mà quen. Bởi miền lục tỉnh ai lại không biết bánh xèo! Nhưng lạ vì trong món bánh dân dã quê mùa lại có nhiều điều thú vị.
Cơn mưa chiều dai dẳng, phủ giăng thôn xóm ở Lộc Giang, ướt sũng con đường đất hai bên tre, trúc mọc um tùm. Dầm mưa chạy vô quán, chúng tôi ngồi quây quần bên cái bàn gỗ cao hơn đầu gối, cảm giác như bỏ lại cái lạnh của cơn mưa bên ngoài. Túm tụm bên gian bếp đổ bánh xèo, tôi chợt nhận ra: Đâu có ai đổ bánh xèo để ăn một mình! Hay đúng hơn, bánh xéo là món bánh quây quần, sum họp, thân tình.
Nghĩ ngợi vẩn vơ, tiếng xèo xèo đổ bột xoay đều lòng chảo làm tôi chú ý. Tay đổ bánh xèo của chủ quán khiến tôi thán phục. Một tay nhanh nhẹn đổ bột đều chảo, đậy nắp; tay kia mở nắp bỏ nhân bánh, cứ thoăn thoắt nhịp nhàng. Trong dáng vẻ lẹ làng đó là sự vén khéo của người phụ nữ.
Bạn học lâu ngày gặp lại nên có nhiều chuyện hỏi thăm. Mới kể vài chuyện thì bánh xèo đã chín. Người phụ bán bánh xèo bưng ra cho chúng tôi 3 dĩa. Mỗi dĩa 2 cái bánh xèo vàng rực, lót cách nhau bằng miếng lá chuối nhỏ. Nếu cái bánh xèo miền Trung gấp lại đường kính cỡ gang tay thì bánh xèo miền Tây lớn hơn, cỡ gang rưỡi hoặc hai gang tay người lớn. Thêm nữa, bánh xèo miền Trung thường giòn và béo; bánh xèo miền Tây giòn ở vành ngoài và mềm mịn ở trong. Cho nên, thưởng thức bánh xèo miền Tây mà đúng hơn là bánh xèo Lộc Giang, thực khách sẽ cảm nhận được cả độ giòn và độ mềm dai của vỏ bánh. Cũng vì vậy, người ta có thể dùng bánh xèo miền Tây cuốn rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.
Sự khéo léo của người phụ nữa tạo ra những chiếc bánh xèo hấp dẫn thực khách
Rau sống càng làm cho bánh xèo thêm thú vị. Rau sống thường được chọn theo kiểu “cây nhà lá vườn”, tức có gì dùng nấy. Nếu ăn bánh xèo ở Lộc Giang, Tân Mỹ (huyện Đức Hòa) sẽ thấy có rau nhái, bông súng, lá cóc, lá xoài, lá lụa,... Còn từ Thủ Thừa, Tân Trụ đến Tân An, Châu Thành,... nếu ăn bánh xèo sẽ không thể thiếu lá cách. Nhân bánh cũng có nét khác biệt. Bánh xèo ở Tân An có nhân đậu xanh hoặc xào giá với tôm, thịt ba rọi. Còn bánh xèo Lộc Giang, Tân Mỹ thường làm nhân với măng xào thịt gà, được đổ trên bếp củi chứ không dùng bếp gas. Thịt gà bằm nhuyễn, ướp gia vị cho thấm đều rồi xào với măng vừa chín tới để khi đổ, bánh xèo vừa chín thì thịt gà với măng cũng tròn vị, dậy mùi thơm.
Măng để làm bánh xèo thường là măng tre, tầm vông. Muốn ăn măng tre phải chịu cực. Bởi cắt được mục măng tre thì phải xé cái rào gai bao bọc xung quanh. Nhìn nhiều loại rau khác nhau trên bàn, cạnh dĩa bánh xèo còn cho thấy nét đặc trưng thổ nhưỡng, địa lý của mỗi vùng. Bởi người ta nói “khoai đất lạ, mạ đất quen”, đất nào cây đó!
Cùng hàn huyên, món bánh xèo càng khiến tôi và thằng bạn từ hồi nhỏ có dịp nghiền ngẫm lại chuyện quê nhà. Món bánh xèo không chỉ đậm đà bởi sự hòa quyện vị ngon vỏ bánh, nhân và nước mắm chua ngọt mà còn là nền nếp ẩm thực, phong tục, tập quán con người xứ sở./.
Võ Quốc Việt