Tiếng Việt | English

23/03/2022 - 15:18

Bảo vệ lịch sử Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “lịch sử Đảng là pho lịch sử bằng vàng”. Bởi vậy, bảo vệ lịch sử Đảng cũng như bảo vệ báu vật, tài sản của quốc gia, chính là thiết thực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; kêu gọi từ bỏ lý tưởng cộng sản và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo, công lao, đóng góp của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; xuyên tạc và phủ nhận thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt Nam; thổi phồng sai lầm, khuyết điểm; xuyên tạc đoàn kết nội bộ Đảng và thân thế, sự nghiệp, tư tưởng cách mạng, đời tư của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Lực lượng đoàn viên tình nguyện hỗ trợ người dân các công tác khai báo y tế. Ảnh Giang Phương

Lực lượng đoàn viên tình nguyện hỗ trợ người dân các công tác khai báo y tế. Ảnh Giang Phương

Thế lực phản động, thù địch thường rêu rao: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là sai lầm, bảo thủ, giáo điều”; “một đảng cầm quyền không thể có dân chủ”; “Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lịch sử, đi theo vết xe đổ của Liên Xô”; “Đảng không phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nên không thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam”; “Đảng chỉ giỏi lãnh đạo trong chiến tranh, còn trong xây dựng kinh tế nên trao quyền cho lực lượng chính trị khác”.

Họ còn xuyên tạc tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ; âm mưu hạ bệ thần tượng lịch sử, phủ nhận tấm gương anh hùng Tô Vĩnh Diện, phủ nhận công lao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với lịch sử Đảng giai đoạn 1954 - 1975, họ xuyên tạc “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một sai lầm, không có bên thắng, bên thua mà tất cả cùng thua”; “là một cuộc nội chiến, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Với lịch sử Đảng 1986 đến nay, họ phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, xuyên tạc “sau 35 năm đổi mới mà Việt Nam vẫn tụt hậu, nhân dân đói nghèo”…

Còn có luận điệu khoét sâu sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, như: xuyên tạc cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 - 1956 và cải tạo tư sản sau năm 1975 “là cuộc thanh trừng, tắm máu”; thổi phồng tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay; quy chụp “Đảng không có năng lực lãnh đạo cách mạng”… Mặt khác, một số kẻ lợi dụng khi xử lý vụ án tham nhũng để bịa đặt “Đây chẳng qua chỉ là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực trong Đảng”; lợi dụng vụ việc mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi chia rẽ quân đội với công an, dân với Đảng. Trên một số diễn đàn, các thế lực thù địch bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có tư tưởng thỏa hiệp với Tàu, xuyên tạc “Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa, có gốc Tàu”.

Đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng như kể trên không những là bảo vệ nền tảng tư tưởng, thành quả cách mạng, tổ chức và cán bộ, đảng viên của Đảng, mà còn là bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng đối với nhân dân và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Nhận thức và thông tin chính xác, khoa học và biện chứng về lịch sử nói chung và lịch sử Đảng nói riêng chính là cách hiệu quả nhất để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc như vậy.

Để làm được điều này, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thanh niên, sinh viên cần có nhận thức đúng đắn về lịch sử Đảng để “tự miễn dịch” và nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc.

Các tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên cần trang bị một số kỹ năng cần thiết cho thanh niên, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thường kỳ, tổ chức nhiều câu lạc bộ, đội nhóm; các cuộc thi tìm hiểu, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, bị tù đày, tìm cách vượt ngục, phong thái hiên ngang khi ra pháp trường. Đặc biệt coi trọng đấu tranh trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả: bài viết, thơ văn, chế nhạc, video clip, tranh ảnh, bình luận/chia sẻ thông tin; tranh thủ những người có ảnh hưởng lớn với cư dân mạng để thông qua họ đưa tin về cái tốt, phản đối cái xấu.

Tri thức lịch sử cung cấp hiểu biết quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện tại và đoán định tương lai. Bởi vậy, các nhà sử học Hy Lạp cổ đại kết luận: “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”. C.Mác và Ph.Ănghen quan niệm: Sử học là khoa học duy nhất vì mọi khoa học đều phải dựa vào sự kiện từ lịch sử. V.I.Lênin khẳng định: Sử học là một bộ phận của khoa học xã hội kết hợp với giai cấp vô sản trở thành vũ khí mạnh mẽ. Lãnh tụ Hồ Chí Minh căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, cũng là thầy giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông.

“Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc sống an bình hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của nhân dân ta... Máu đào của các liệt sĩ ấy làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhắc nhở chúng ta phải nâng cao trách nhiệm bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng; vững tin vào thắng lợi cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo./.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích