Ảnh minh họa
Công cuộc đấu tranh PCTN là cuộc chiến không có tiếng súng, nhưng đầy cam go, thách thức, có những giai đoạn tưởng chừng như bị chùng xuống, khiến người dân hoài nghi nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời thắp lên niềm tin với những khẳng định đầy chất “thép”: “Cử tri và Nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh PCTN”, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”,... Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu Đảng ta mà còn là lời tuyên chiến, tỏ rõ sự không lùi bước, không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa.
Thực tiễn kết quả công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí thời gian qua đã tạo sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, tạo hiệu ứng xã hội và đáp ứng được mong mỏi của Nhân dân, thuận với ý nguyện của Nhân dân và đó cũng là điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Đồng thời, công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của cán bộ, đảng viên, Nhân dân ở những vị trí, mức độ khác nhau, từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại. Đó là: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát còn rất thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. “...
Có lúc, có nơi, những tiếng nói trung thực phản biện, tố cáo sai phạm đã không được lắng nghe kịp thời, cầu thị, khiến không ít vụ việc vi phạm đã không được ngăn chặn từ sớm, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí một số vụ việc bị cố tình che giấu, bỏ qua. Một số cá nhân dám dũng cảm đứng lên tố cáo các vụ việc khuất tất, mờ ám, có dấu hiệu vi phạm đã bị đe dọa, trù dập, hành hung,... gây tác động đến tâm lý xã hội và cản trở công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng và Nhà nước”.
Nguyên nhân của tình trạng này, đầu tiên có thể kể đến là việc có lúc, có nơi còn chưa thật sự coi trọng ý kiến phản biện, kiến nghị, tố cáo của người dân, thể hiện từ việc tiếp nhận đến xử lý thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trên thực tế, dù đã có những quy định rõ ràng về việc tiếp nhận phản ánh của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng tình trạng qua loa, đại khái, tắc trách, bàng quan, vô cảm vẫn diễn ra ở một số nơi khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc, từ đó ảnh hưởng tới niềm tin vào các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng.
Tình trạng chuyên quyền, độc đoán vẫn diễn ra. Người dân phản ánh sai phạm là thể hiện trách nhiệm của công dân nhưng việc “hành là chính” ở một số cơ quan, đơn vị và cá biệt có nơi còn nảy sinh hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ra oai, tiêu cực với chính người đi tố cáo, đấu tranh PCTN, tiêu cực. Đã xuất hiện tình trạng sau khi cơ quan tiếp nhận đơn, thư nhưng sau đó không rõ đơn, thư tố cáo đi về đâu, sự việc được xử lý thế nào, kết quả ra sao?... Thực tế, quy trình tiếp nhận, xử lý thủ tục, trách nhiệm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được pháp luật quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện đầy đủ, đúng đắn, không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa một số cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm trong xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng, bài bản. Việc cung cấp, trao đổi thông tin về những vấn đề, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực giữa các cơ quan chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên. Sự “tắc nghẽn”, “đứt gãy” về thông tin khiến các vụ việc được phản ánh trung thực, khách quan chậm được giải quyết, có khi bị rơi vào im lặng, thậm chí bị “chìm xuồng”.
Mặt khác, những người nêu ý kiến phản biện nhiều khi chưa được bảo vệ, còn nhiều mối đe dọa, bị trả thù, trù dập khiến người khác nhụt chí, không dám mạnh dạn góp ý, kiến nghị. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, báo cáo về công tác PCTN đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập: “Mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác, đấu tranh PCTN đã được quy định nhưng trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù, đe dọa vẫn xảy ra khiến nhiều người lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả không cao nên tình hình vi phạm, nhất là biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tổ chức hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN còn bất cập”.
Dù bị trả thù, trù dập bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng không phải ai nêu ý kiến phản biện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể phản ánh tới cơ quan chức năng và dư luận. Vì vậy, có người đành chấp nhận thỏa hiệp, buông xuôi, “nhắm mắt làm ngơ” cho qua việc. Cũng có trường hợp đứng ra tố cáo sai phạm bị luân chuyển, điều động, phân công công việc “trái tay”, thậm chí bị kỷ luật dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Thực tế này cho thấy, các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực cũng như gia đình và người thân của họ chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa đủ sức là trụ đỡ tinh thần cho người dân quyết tâm chống “giặc nội xâm”. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp bảo vệ hiệu quả, chặt chẽ hơn với người đứng ra tố cáo, khiếu nại, đấu tranh PCTN, tiêu cực, cả từ phía công an, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra cũng như cơ quan tiếp nhận nguồn tin tố cáo. Việc bảo vệ này là cần thiết ngay từ bước tiếp nhận thông tin, việc giữ bí mật nguồn tin, bí mật danh tính người tố cáo để tránh bị trả thù, trù dập.
Báo chí có vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực. Theo Điều 75 Luật PCTN năm 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo cụ thể như sau: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng, có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh trung thực, khách quan và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin, viết bài về hoạt động PCTN, tiêu cực và vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trước đó, Luật Báo chí năm 2016, tại Điều 4 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Như vậy, nhiệm vụ PCTN, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa, giúp báo chí thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong quá trình hoạt động, bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, được cung cấp hoặc tự tìm kiếm, phát hiện, báo chí cần kiên quyết, dũng cảm đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bằng cách phản ánh thực tế, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng,... Báo chí cũng là “cầu nối” phản ánh ý kiến của Nhân dân, tạo lập diễn đàn để người dân cất lên tiếng nói trung thực, phản ánh những oan sai, khuất tất tới các cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhà báo cũng như các cơ quan báo chí gặp phải không ít khó khăn như sự bất hợp tác của tổ chức, cá nhân liên quan, sự vu khống, trả thù của các đối tượng xấu,... Việc cản trở nhà báo tác nghiệp, trả thù người viết bài phản ánh sai phạm đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Không ít nhà báo bị gây khó khăn, cản trở, thậm chí bị hành hung trong quá trình tác nghiệp. Từ đây khiến không ít nhà báo, cơ quan báo chí còn ngần ngại, e dè khi dấn thân vào lĩnh vực khó khăn, nguy hiểm này.
Để công cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả, bên cạnh những biện pháp như tăng cường kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò giám sát tập thể,... thì việc lắng nghe tiếng nói trung thực, dũng cảm tố cáo những khuất tất, sai phạm của Nhân dân là hết sức quan trọng. Thông tin tố cáo cần được kiểm tra, xác minh và nếu đúng như phản ánh thì cơ quan chức năng cần có những quyết định xử lý kịp thời, nghiêm túc, đủ sức răn đe để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ khi chưa phát tác. Muốn làm được như vậy đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, của đội ngũ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kế thừa những kết quả đã đạt được cũng như việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, công cuộc chống “giặc nội xâm” sẽ đạt những kết quả quan trọng hơn nữa, góp phần chặn đứng tham nhũng, tiêu cực, chặt đứt những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của đất nước.
Huyền Linh