Tiếng Việt | English

01/09/2022 - 17:20

Bất chấp hiểm nguy, nuôi giấu cán bộ cách mạng

Tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng những người nuôi giấu cán bộ cách mạng cũng góp phần rất lớn vào thành công của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bất chấp hiểm nguy, vất vả, họ ngày ngày lo bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong kháng chiến.

Người phụ nữ gan dạ

Theo lời giới thiệu, chúng tôi đến gặp bà Trần Thị Tiếu, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, người có công nuôi giấu cách mạng trong kháng chiến. Ở tuổi 79, bà Tiếu vẫn rất khỏe, hào sảng nói: “Tôi lớn tuổi, trí nhớ suy giảm nên không còn nhớ các mốc thời gian cụ thể. Bây giờ, tôi nhớ chuyện gì thì kể cho con nghe chuyện đó”.

Ở tuổi 79, trí nhớ suy giảm nhưng bà Trần Thị Tiếu vẫn nhớ rõ về những kỷ niệm năm nào

Vừa dứt lời, bà chỉ tay ra đồng ruộng trước mặt, nói, ngày xưa, gia đình bà trồng 2ha lúa và nuôi thêm vịt, thu nhập giúp vợ chồng nuôi sống gia đình và có tiền nấu cơm cho CBCS hoạt động cách mạng ở khu vực này. Tuy nhiên, có lần lúa chín, giặc đáp máy bay xuống ruộng là coi như đợt đó mất mùa. Bà lý giải, máy bay thường đáp xuống đồng ruộng phía trước, cánh quạt của máy bay làm rụng bông lúa, quân lính tràn đồng giẫm nát cả ruộng lúa.

Được biết, để hoàn thành bữa sáng, bà Tiếu thức dậy từ 4 giờ để nấu cơm. Sau khi cơm chín, bà chia vào 20 lon Guigoz (lon Guigoz là một loại lon sữa của hãng Nestle Pháp, Hà Lan, phổ biến ở miền Nam trước năm 1975). Song, để vận chuyển đến nơi an toàn, bà để cơm ở lớp dưới, phía trên ngụy trang bằng lúa, giả vờ mang thức ăn cho vịt. Theo bà, 20 lon Guigoz cơm có trọng lượng ngang 1 giạ lúa. Đồ ăn kèm cũng được bà chuẩn bị sẵn, có khi là cá hộp, khi tóp mỡ,... tùy theo điều kiện.

Ngoài lo cơm 2 cữ sáng, chiều, bà còn mua thuốc và vải giúp CBCS. “Có 2 kỷ niệm mà đến giờ tôi không thể quên. Một lần là khi đi mua thuốc, vừa gánh 2 giỏ thuốc về đến cửa thì máy bay giặc đáp xuống. Lần đó, mọi người đều nghĩ chắc kỳ này tôi không qua khỏi nhưng may mắn giặc chỉ lấy thuốc và không làm gì tôi cả. Lần thứ hai, cán bộ nhờ mua 40m vải, cũng vừa về đến cửa thì máy bay giặc đáp xuống, bọn chúng hỏi “Làm gì mua vải nhiều vậy?”, tôi trả lời mua giùm mọi người trong xóm, nghe xong giặc tịch thu vải và rời đi” - bà Tiếu nhớ lại.

Công tác hỗ trợ, nuôi giấu CBCS của bà Tiếu và gia đình xuất phát từ tinh thần yêu nước, căm thù giặc nên bà cũng chẳng tính toán số lượng, chỉ nhớ hết lớp cán bộ này đi lại có lớp cán bộ khác đến. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà tâm sự: “Bây giờ nhớ lại sao ngày đó chẳng sợ gì hết, chỉ sợ CBCS chết, sợ họ đói không có sức đánh giặc. Rồi ngày nghe tin giải phóng mừng lắm, không từ ngữ nào tả được!”.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có chế độ, chính sách chăm lo cho người có công nuôi giấu cán bộ cách mạng để thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với thế hệ đi trước. Rời nhà bà Tiếu, tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ gan dạ có dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt đôn hậu. Thật khâm phục, biết ơn và tự hào mỗi khi nghĩ đến bà.

Nghĩa tình xứ dừa Bến Tre

Vượt quãng đường 85km, Đoàn cán bộ tỉnh đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách có công nuôi giấu thương, bệnh binh tỉnh tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Đến đây, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Nhánh (70 tuổi) - con dâu duy nhất của Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Vọng, người có công nuôi giấu các thương, bệnh binh của tỉnh trong kháng chiến.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhánh (thứ 5, từ trái qua) có công nuôi giấu thương, bệnh binh tỉnh Long An trong kháng chiến (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bìa phải) tặng quà các gia đình tại xã Thừa Đức)

“Giờ đây, mẹ chỉ còn một người con trai duy nhất là chồng tôi. Làm con dâu mẹ đến nay đã 47 năm nên tôi nhiều lần nghe kể về quá trình nuôi giấu cách mạng của mẹ trong kháng chiến. Ngày xưa, mẹ giỏi lắm, làm đủ mọi nghề, từ buôn bán đến bắt cua, bắt ốc,... Bên cạnh chăm lo cuộc sống cho gia đình, mẹ còn dành dụm để nuôi giấu cách mạng.

Nhà mẹ cách đồn bót không xa nên CBCS được mẹ thương như con. Trong kháng chiến, có nhiều trường hợp đến nhà mẹ để tắm, ăn cơm. Ngoài ra, mẹ thường chèo xuồng tiếp tế lương thực cho CBCS vào ban đêm. Nguy hiểm, vất vả là thế nhưng mẹ chưa bao giờ than vãn hay có ý định từ bỏ việc làm này. Mẹ luôn một lòng tin tưởng cách mạng sẽ thành công” - bà Nhánh chia sẻ.

Đến giờ, bà Nhánh cũng không thể thống kê được chính xác số lượng CBCS đã lui tới nhà mẹ, chỉ biết con số đó là rất lớn. Nhiều người gọi mẹ Vọng bằng mẹ, sau này, mẹ đại diện cưới vợ cho một số trường hợp. Ở tuổi 99, mẹ đã không còn minh mẫn, có lúc chẳng nhớ được con cháu mình, tuy nhiên mỗi khi ai đó đến thăm là mẹ vui lắm!

Bà Nhánh cho biết: “Thỉnh thoảng, các con nuôi của mẹ vẫn đến thăm. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh Bến Tre cũng thường xuyên đến thăm, tặng quà mẹ vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, nhiều năm qua, Đoàn cán bộ tỉnh Long An đều duy trì hoạt động thăm, tặng quà các gia đình có công nuôi giấu 93 thương, bệnh binh của tỉnh trong kháng chiến. Đây là hoạt động hết sức nghĩa tình”.

Được biết, có 25 gia đình tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã nuôi giấu 93 thương, bệnh binh của tỉnh Long An trong kháng chiến. Thăm, tặng quà các gia đình hàng năm là hoạt động thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đối với những người con của vùng đất xứ dừa./.

Hoài An

Chia sẻ bài viết