Tiếng Việt | English

09/11/2019 - 12:31

Bến đợi bến chờ

Minh họa: Thiện Mỹ

Minh họa: Thiện Mỹ

Ông lão lục đục dọn cơm ra cái lán chỗ mé sông. Bữa cơm của ông chẳng có gì nhiều ngoài mớ đọt lang luộc, mấy con cá chốt lão câu được từ sông đem lên kho sả, thêm trái ớt hiểm. Ông lão thích ăn cay, vì thế mà quanh cái chòi của lão trồng ớt, trái chín ăn không kịp. 

Ở cái bến nước này, ai cũng quen ông lão đưa đò trạc ngoài bảy mươi, râu tóc bạc trắng, sống đơn độc trong cái chòi dựng ngoài bờ sông. Chiếc xuồng đậu dưới bến là gia tài quý giá nhất của lão. Mặc dù được đóng bằng gỗ cây mù u nhưng nó đã song hành cùng cuộc đời của lão, nó cũng già như lão. Gỗ mù u mục dần, mấy lần lão kéo xuồng lên bờ, lật ngửa bụng xuồng lên vá mấy lỗ thủng bằng thứ keo nhầy nhậy, dính bết. Người trong làng đi đò của lão riết thành quen, ngồi trên đò nhìn lão ngửa ra đằng sau lấy sức chèo xuồng đưa khách sang sông thì xót xa, nhưng sống ở cái xứ này, làm ít làm nhiều vẫn phải làm, không làm biết lấy gì mà ăn, huống chi đơn chiếc như lão chèo đò ngoài bến nước…

*

Lần đầu tiên Ngân dẫn con trai về quê. Đường về xa ngái. Ngồi xe đò gần hơn ngày trời rồi đi xe ôm, sau cùng là đi bộ. Lâu rồi, Ngân mới về lại nơi “chôn nhau cắt rốn”, trong một gương mặt khác mười mấy năm trước. Nắm tay mẹ đi lúp xúp như cây nấm, Minh chỉ chỗ này, chỗ kia, nói quê mình đẹp quá mẹ ha. Ngân cười hiền lành với con, bảo rằng xứ mình muôn đời vẫn đẹp nhưng hình như bây giờ vùng đất này đã đổi thay ít nhiều so với mấy chục năm trước, khi Ngân còn bé xíu. Hồi này đông đúc hơn xưa. Ngân đi ngang qua mấy ngôi nhà mới xây nhìn cũng khang trang, tường vôi sáng rực. Xa xa lại có quán xá dựng lên làm chỗ cho khách qua đường trú chân. Ghé quán nghỉ chân, Ngân hỏi bà cụ còn nhớ Ngân không, hồi xưa khi Ngân còn bé con, tóc cắt cúp bế hay chạy lon ton qua quán mua bánh, gương mặt lúc nào cũng dính đầy bùn đất. Bà lặng lẽ lắc đầu. Ngân buồn thiu. Mà chính Ngân cũng không nhận ra mình sau khi trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ. Vụ tai nạn giao thông mấy năm trước vừa cướp đi khuôn mặt thật, vừa để lại vết hằn trong lòng Ngân. Đôi lần soi gương, Ngân bật khóc vì trong gương không phải là khuôn mặt của mình, không phải khuôn mặt của “con Ngân ở dưới quê mới lên, quê một cục, mà chân chất, dễ sai, dễ bảo” như lời người đàn bà giới thiệu Ngân vô mấy chỗ bưng bê, nhà hàng, quán nước. Nhưng rồi Ngân cũng quen. Vụ tai nạn giao thông năm xưa một lần nữa được lật lại. Đích thị là Ngân bị hại. Kẻ hại Ngân không ai khác chính là người đàn bà kia, vợ của nhân tình mà Ngân cặp kè trong quán cà phê. 

Ngân chấp nhận khuôn mặt sau phẫu thuật thẩm mỹ, tuy xinh đẹp hơn xưa nhưng chưa bao giờ Ngân thấy vui. Ngân bằng lòng bởi Minh và chồng đã quen với khuôn mặt đó. Đàn bà suy cho cùng cũng chỉ sống vì chồng, vì con. Với Ngân, có hy sinh bao nhiêu để vun vén hạnh phúc cho chồng, Ngân cũng cam lòng. Chồng Ngân - người đàn ông bao dung, vị tha, sẵn sàng chấp nhận quá khứ của vợ. Minh lớn lên trong không khí hạnh phúc của một gia đình. Đứa trẻ thành phố chưa một lần đội nắng quê mà đi, mồ hôi ròng ròng, chưa lần nào được nhìn thấy con trâu ngoài đời để xem hình thù nó ra sao, thì nay đã được thỏa lòng.

Uống ừng ực mấy ngụm nước dừa tươi mát rượi, Minh quay sang hỏi mẹ:

- Còn xa không mới tới nhà ông ngoại vậy mẹ?

Ngân nhìn con cười:

- Không xa nữa đâu, sắp tới nhà ông ngoại rồi, Minh vui không?

Ngân thấy bồi hồi xao xuyến. Quãng đường về nhà càng ngắn lại, tim Ngân càng đập nhanh trong lồng ngực. Thường thì sau khi xa quê một thời gian, trở lại, người ta thấy tâm tư khắc khoải, hoặc muốn bước thật nhanh, hoặc cố đi thật chậm, sợ rằng xúc cảm ùa về, ký ức bồng bềnh khó mà đón nhận kịp. Huống chi đã hơn mười năm Ngân không trở lại nơi này, cũng không có lấy một tin tức nào về ba và những người thân thuộc…

*

“Thì ra là ông lão chèo đò. Hơn mười năm trước, ông lão sống với đứa con gái, rồi con gái bỏ ổng đi. Ông lão buồn quá, bán đất trả hết nợ nần cho người ta rồi ra ngoài bến nước dựng chòi sống bằng nghề chèo đò. Tội nghiệp, già nua, đơn độc, trái gió trở trời biết phải làm sao?” - người đàn bà lạ tưởng Ngân là đứa cháu họ hàng xa của ông lão lâu ngày về thăm. 

Ngân quệt nước mắt, dắt tay Minh theo con đường dẫn ra bến nước, con đường phủ rợp bóng cây, thoang thoảng hương tràm. Từ đây, Ngân đã trông thấy cái chòi lợp lá liêu xiêu bên bờ sông, chiếc xuồng gợi bao ký ức thân thương vẫn nằm im dưới bến. Bỗng dưng Ngân khựng lại, xốn xang. Minh kéo tay mẹ bảo đi nhanh lên, Minh muốn được ôm cổ ông ngoại, chuyện trò với ông. Ngân cười để con tin Ngân đang vui chứ đang tan lòng nát ruột. 

Tiếng ho sù sụ từ căn chòi lá vọng ra từng tiếng một khô khốc. Căn chòi nhỏ không có cửa, phía trước che hờ một tấm bạt. Ông lão đang ngồi trên bộ ván, nhìn ra sông, đôi mắt vời vợi buồn. Biết chiều nay có cánh chim nào từ bên kia sông bay sang bên này hay không để người già vơi đi những đơn độc bao nhiêu lâu vây kín? Ngân định níu tay con lại, nhưng không kịp nữa rồi. Thằng Minh phóng qua con mương dẫn nước chạy ra mé sông mà gọi “Ông ngoại ơi!”. Ngân biết thằng nhỏ thèm hơi ấm của ông ngoại, bởi nó biết ông ngoại là người yêu thương mẹ nó, để mẹ nó lớn lên, thành người. Đôi lúc Ngân thấy mình còn thua một đứa trẻ.

Nghe tiếng gọi, ông lão chèo đò quay lại, băn khoăn. Ông nghĩ, thằng bé này là ai mà gọi mình là “ông ngoại” ngọt sớt, hay là nó gọi nhầm? Thằng bé cũng sững sờ nhìn về phía mẹ đôi mắt bấy giờ đã đỏ hoe. Ngay lập tức, ông lão nhận ra hai mẹ con người phụ nữ sang trọng đứng trước mắt lão không phải là khách qua đò. Vậy họ là ai? Lẽ nào? - lão nghĩ bụng. Ngân buột miệng:

- Ba ơi! Con là Ngân nè! Con về với ba rồi nè! Ba ơi, con có tội với ba…

Ông lão bước đến, những bước chân chệnh choạng, mắt lão cũng đỏ hoe, ngập ngừng:

- Ngân… con gái của ba… Trời ơi! Mày còn sống, mày về với ba hả con?

Ngân chạy đến ôm lấy người cha hiền từ của mình. Thằng Minh thấy mẹ làm vậy cũng choàng tới mà ôm lấy ông ngoại. Ngân nức nở:

- Ba ơi! Con đã để ba cơ cực suốt mười mấy năm nay. Con gái bất hiếu quá!

Ông lão xoa đầu Ngân như những ngày nhỏ mỗi lần cô phạm lỗi. Cô cầm lấy đôi bàn tay của ông lão chèo đò đưa lên trước mặt mình, ngắm nhìn. Đôi tay ấy chi chít những vết sẹo mà vết to nhất nằm dọc theo cánh tay, vết sẹo từ cái lần ba Ngân đi đốn cây trong rừng không may phạt búa vào tay. Nhớ lại, Ngân thấy thương ba nhiều hơn thương mẹ. Người đàn bà bỏ Ngân từ hồi cô còn bé xíu, trạc thằng Minh bây giờ. Đến khi Ngân lớn lên, thành thiếu nữ thì người đàn bà trở về xóm, nói là sẽ lo cho Ngân. Ngân tin. Đến tận bây giờ Ngân vẫn tự trách mình sao hồi ấy đi tin người đàn bà ngày xưa tham phú phụ bần, bỏ ba con Ngân làm chi? Ngày Ngân đi, ba không cản. Dẫu sao đó cũng là người đàn bà dứt ruột đẻ ra Ngân. Ba đứng bên hiên nhà bùi ngùi nhìn theo. Ba không khóc, có bao giờ ba rơi nước mắt đâu, nhưng ba buồn đến xé lòng. Ngân chưa từng nghĩ đó là lần gặp ba rồi cách xa, mười mấy năm sau mới đủ can đảm trở về gặp ba lần nữa.

- Sao mày bỏ ba mười mấy năm nay không về vậy con? Ba bỏ xóm ra đây đưa đò, mỏi mắt trông mày về. Mười mấy năm rồi còn gì!

Ngân muốn nói với ba rằng chuyện dài lắm ba! Người đàn bà đó không xem Ngân là con gái. Chưa bao giờ bà ấy thương Ngân! Bà ấy chỉ lợi dụng chính giọt máu mà bà dứt ruột sinh ra để làm giàu, bà ấy đẩy Ngân vào những quán cà phê đèn mờ, những quán bar. Nhưng thôi nói để làm gì, Ngân chỉ mong ba hiểu rằng Ngân sẽ trở về mang hạnh phúc bình yên đến cho ba, bên thằng Minh, bên chồng Ngân nữa.

*

Ông lão chèo xuồng đưa Ngân với thằng Minh đi dọc con sông này. Ông nói: 

- Sông dài như cuộc đời vậy đó con!

Minh chưa đủ lớn để hiểu rằng cuộc đời nó dài như thế nào nhưng mai này Minh sẽ hiểu. Giống như Ngân, đứa con gái ngày nào được ông lão bảo bọc, giờ cũng đã trải qua những sóng gió, trái tim đầy vết thương nhưng đổi lại là sự trưởng thành khôn lớn.

Ngoài kia điệp trùng cánh sóng. Ngân nhận ra con sông quê mình vẫn đẹp như ngày nào. Trên chiếc xuồng chòng chành, Ngân quay lại nói với ba quê mình đẹp quá ba ơi! Ông lão cười cười, trong mắt ánh lên những tia hạnh phúc. Chưa bao giờ ông lão vui đến vậy!./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết