Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định (Nghị định 32/2021, Nghị định 33/2021 và Nghị định 34/2021) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM và TP Đà Nẵng.
Theo Bộ Nội vụ, việc sửa đổi, bổ sung ba Nghị định nêu trên nhằm sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị. Cùng đó là kịp thời giải quyết, khắc phục những bất cập, vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại ba TP trong thời gian vừa qua.
Người hoạt động không chuyên trách ở phường nếu được xác định theo phân loại đơn vị hành chính và dân số tăng thêm thì sẽ tăng 1.143 người so với quy định hiện nay. Ảnh: NGUYỆT NHI
Quy định số lượng NHĐKCT theo đơn vị hành chính và dân số tăng thêm
Liên quan đến số lượng, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT), tờ trình của Bộ Nội vụ cho hay, theo quy định của ba Nghị định, hiện nay tại ba TP vẫn thực hiện số lượng, chế độ, chính sách đối với NHĐKCT ở phường và ở tổ dân phố theo quy định tại Nghị định 92/2009 và Nghị định 34/2019.
Do đó, các TP đề xuất được chủ động quy định số lượng, chế độ, chính sách đối với NHDKCT ở phường và tổ dân phố trên cơ sở thực tiễn của địa phương. Lý do là dân số tại các phường của ba TP này quá đông, khối lượng công việc ở phường thường quá tải. Trong khi đó, số lượng và chế độ phụ cấp đối với người NHĐKCT theo quy định chung còn thấp so với yêu cầu công việc và mức thu nhập bình quân dân cư trên địa bàn.
Để giải quyết vướng mắc, khó khăn của các TP về việc bố trí số lượng NHĐKCT và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Bộ Nội vụ đề xuất quy định số lượng NHĐKCT ở phường theo phân loại đơn vị hành chính của phường và dân số tăng thêm so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của phường
Cụ thể, tính theo phân loại đơn vị hành chính của phường thì phường loại 1 có không quá 14 người, phường loại 2 có không quá 12 người và phường loại 3 có không quá 10 người.
Còn tính theo dân số tăng thêm thì đối với phường thuộc quận có trên 15.000 dân, cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm một NHĐKCT. Đối với phường thuộc thị xã có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm một NHĐKCT. Riêng đối với phường thuộc TP thuộc TP.HCM có trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 được tăng thêm một NHĐKCT.
NHĐKCT ở phường được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoản quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chỉ trả hàng tháng đối với NHĐKCT ở phường với mức khoán quỹ phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở trên/người.
Căn cứ vào định mức số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường, căn cứ vào quỹ phụ cấp được khoán theo quy định cũng như căn cứ vào đặc thù của từng phường, yêu cầu quản lý, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương và ngân sách địa phương, UBND các TP trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể về chức danh và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường của từng quận, thị xã.
Căn cứ vào tổng số NHĐKCT ở phường được HĐND các TP phân bố và yêu cầu, nhiệm vụ của từng phường, UBND quận, thị xã quyết định giao cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách của mỗi phường trực thuộc cho phù hợp...
"Theo đề xuất nêu trên thì số lượng NHĐKCT ở phường sẽ tăng 1.143 người so với quy định hiện nay" - Tờ trình Bộ Nội vụ nêu rõ.
Không quá ba chức danh hưởng phụ cấp từ ngân sách
Ngoài ra, tờ trình của Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố thuộc phường. Theo đó, NHĐKCT ở tổ dân phố thuộc phường có không quá ba người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh Bí thư Chi bộ; Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.
Đồng thời trao quyền chủ động cho các TP được quyết định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp của NHĐKCT ở tổ dân phố thuộc phường được ngân sách trung ương khoán quỹ phụ cấp, ngoài ba chức danh nêu trên.
Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với NHĐKCT ở mỗi tổ dân phố. Riêng đối với tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. (Hiện nay, theo quy định tại NĐ 34/2019, Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với NHĐKCT ở mỗi tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở).
Căn cứ vào quỹ phụ cấp được khoán theo quy định và căn cứ vào đặc thù của địa phương, yêu cầu quản lý và nguồn thu ngân sách của địa phương, UBND các TP trình HĐND cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với các chức danh nêu trên./.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 06/2020 của HĐND TP.HCM, nhiều phường, xã trên địa bàn TP đã chính thức thông báo việc chấm dứt hợp đồng đối với số cán bộ không chuyên trách dôi dư. Việc này đã khiến các phường, xã đông dân “đau đầu” vì áp lực khi phải cắt giảm một số lượng lớn cán bộ không chuyên trách. Bởi thực tế, các địa bàn dân đông, rộng, giáp ranh phức tạp phải cần đến đội ngũ cán bộ này mới đảm nhận hết số lượng công việc.
Trong khi đó, những người hoạt động không chuyên trách hiện nay chỉ được hưởng phụ cấp và không hưởng lương, cũng không được nâng mức phụ cấp, trợ cấp theo thâm niên và đóng bảo hiểm xã hội cũng ở mức thấp. Lãnh đạo các địa phương nhìn nhận với chế độ chính sách như trên cùng với khối lượng công việc lớn, khó có thể đòi hỏi những cán bộ này gắn bó với đơn vị.
|
N.THẢO - Đ.MINH (Plo.vn)