Luật hóa quy định xử lý nợ xấu
Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, đọc tờ trình tại phiên họp 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung phạm vi xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Trong đó kế thừa các quy định: Bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật bổ sung “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng quản trị, điều hành của TCTD, hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng; bổ sung quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp tín dụng qua thẻ theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Dự thảo Luật cũng kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại luật hiện hành; xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm trong việc hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành, nhằm tăng cường kiểm soát, quản lý nhà nước đối với quản trị, điều hành của TCTD.
Cùng với đó quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Tương ứng với nội dung sửa đổi, bổ sung tại phần can thiệp sớm, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt, điều chỉnh phương án xử lý tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt bao gồm phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt và phương án phá sản; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá tổng thể thực trạng TCTD được kiểm soát đặc biệt...
Can thiệp sớm là rất cần thiết, nhưng phải rõ ràng
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, dự thảo điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan từ không được vượt quá tương ứng 15% và 25% (luật hiện hành) xuống còn 10% và 15% vốn tự có của NHTM, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (tương tự giảm đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng tương ứng từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25%) để hạn chế rủi ro tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo.
Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn trên. Bởi việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc phát hiện rủi ro đối với TCTD, nhất là nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống các TCTD để có các biện pháp can thiệp từ sớm là rất cần thiết, vừa giúp TCTD lành mạnh hóa hoạt động, giảm thiểu chi phí khắc phục và giảm tác động đến hoạt động của hệ thống các TCTD nói chung. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội hàm của việc “can thiệp sớm” để đề xuất những quy định tương ứng phù hợp, như các dấu hiệu, biện pháp can thiệp sớm và trách nhiệm của các bên liên quan.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo thực chất là xử lý TCTD đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.
Cơ quan này cũng đề nghị làm rõ TCTD bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của NHNN để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.
Khác với Luật hiện hành, dự thảo luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho TCTD cho vay đặc biệt.
Đồng ý mở rộng phạm vi TCTD được vay đặc biệt của NHNN, song, theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt. Việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay đặc biệt, trong khi báo cáo đánh giá tác động cũng chưa đề cập đến nguồn lực thực hiện, tác động đến NSNN khi áp dụng khoản vay đặc biệt này./.
Hiếu Minh/VOV.VN