Các cảng hàng không đang phải chịu sức ép rất lớn do quá tải, khai thác vượt công suất thiết kế. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng vốn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng giao thông là hết sức khó khăn và không thể cứ trông chờ vào nguồn vốn này. Do đó, Bộ sẽ tiến hành rà soát danh mục các dự án theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, hạn chế tối đa khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Rà soát các dự án đầu tư
- Ngành giao thông vận tải thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh về xây dựng hạ tầng, hoàn thiện thể chế. Bộ trưởng có cảm thấy áp lực đặt ra và sự kỳ vọng đối với mình khi tiếp nhận ngành giao thông?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Sự kỳ vọng cũng như những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân, cộng đồng doanh nghiệp đặt ra cho ngành giao thông nói chung và người đứng đầu nói riêng ở bất cứ giai đoạn nào cũng rất lớn.
Vì vậy, khi được Đảng, Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cá nhân tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng đây là một niềm vinh dự to lớn đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức bởi phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi, hiệu quả, an toàn là một sự nghiệp to lớn, lâu dài của cả đất nước.
- Bộ trưởng sẽ huy động các nguồn vốn như thế nào để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải trong thời gian tới khi mà nguồn vốn giao thông đang bị thắt chặt vốn vay, vốn đầu tư cho các dự án?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Nguồn vốn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ của ngành, nhất là mục tiêu đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải xác định nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển là hết sức khó khăn và không thể cứ trông chờ vào nguồn vốn này.
Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu huy động bằng được các nguồn vốn từ nước ngoài để phát triển hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành rà soát danh mục các dự án theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển để xem xét những dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào phải điều chỉnh và phải dừng, giãn đồng thời hạn chế tối đa khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tất cả quá trình này sẽ được Bộ tiến hành công khai, minh bạch để toàn thể người dân, các nhà đầu tư cùng biết và đồng thuận.
- Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vẫn đang được nghiên cứu và trình Chính phủ. Vậy, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện nghiên cứu tổng thể và chi tiết dự án này như thế nào để có thể sớm triển khai, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là một chủ trương lớn, cần được cân nhắc cả về hiệu quả kinh tế, điều kiện kinh tế xã hội và nguồn lực đầu tư.
Về định hướng lâu dài, tôi khẳng định Việt Nam cần xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để đáp ứng nhu cầu phát triển cả nước và đến nay, vấn đề này tiếp tục được được khẳng định trong chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Để có cơ sở trình Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổ chức nghiên cứu, hội thảo, xin ý kiến và hoàn thiện dự án trong năm 2017. Năm 2018, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ sẽ tiếp tục triển khai dự án theo quy định.
Các cảng hàng không đang chịu sức ép lớn
- Thời gian qua, lĩnh vực hàng không đang phát triển nóng, tắc nghẽn cả trên trời lẫn dưới mặt đất. Vậy Bộ trưởng và ngành giao thông sẽ có những giải pháp nào để đảm bảo cho hàng không phát triển một cách bền vững?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Năm 2016, sản lượng thông qua các Cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 81 triệu lượt hành khách và 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 28,6% về hành khách và 14,5% về hàng hóa so với năm 2015. Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam cũng phát triển rất nhanh, từ 94 tàu bay năm 2011 lên 157 tàu bay đến thời điểm hết tháng 12/2016.
Có thể nói rằng, so với sự tăng trưởng mạnh của thị trường hàng không và đội tàu bay Việt Nam, tốc độ nâng cấp, mở rộng của hạ tầng cảng hàng không còn ở mức thấp hơn. Các cảng hàng không đang phải chịu sức ép rất lớn do quá tải, khai thác vượt công suất thiết kế, đặc biệt tại các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh và sắp tới là Nội Bài.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng không cũng như đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách, Bộ tìm mọi giải pháp tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống hạ tầng cảng hàng không; đầu tư hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường; tổ chức lại vùng trời của các phân khu kiểm soát đường dài và vùng trời sân bay; triển khai áp dụng các đường hàng không và phương thức bay sử dụng công nghệ dẫn đường mới; tối ưu hóa phương thức điều hành bay...
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa. (Ảnh: TTXVN)
Song song với đó, Bộ cũng đưa ra các định hướng phát triển mạng đường bay, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam phù hợp với kế hoạch phát triển và khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng Cảng hàng không, sân bay.
Cụ thể đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ đạt khoảng 230 tàu bay với các dòng máy bay hiện đại như B787-9, A350-X9, A321, A320 Sharklet và các hãng hàng không Việt Nam sẽ khai thác khoảng 60 đường bay nội địa và 140 đường bay quốc tế.
Ngoài ra, việc phân bổ vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các cảng hàng không cũng được định hướng rõ ràng, đặc biệt tại các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng.
- Tai nạn giao thông thời gian qua liên tục giảm nhưng chưa bền vững. Với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì để hạn chế và phấn đấu đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra là giảm dưới 5% tai nạn giao thông trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Trong thời gian tới, ngành giao thông sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông như gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các điểm đen, các vị trí mất an toàn giao thông.
Về lâu dài, phải đồng thời cải thiện hạ tầng, chất lượng phương tiện; phát triển vận tải công cộng và phát triển hài hòa các phương thức vận tải; nâng cao ý thức người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện và người thực thi công vụ.
Trước mắt cũng như trong thời gian tới, biện pháp bền vững nhất và lâu dài, với chi phí thấp vẫn là giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đi đôi với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo TTXVN