Tiếng Việt | English

30/09/2021 - 08:58

Bước vào trạng thái 'bình thường mới', chuẩn bị tiến tới toàn diện phục hồi KT - XH

Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ghi nhận những kết quả đáng phấn khởi, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh - Phạm Tấn Hòa về tình hình dịch bệnh và những giải pháp trong thời gian tới.

Lãnh đạo tỉnh quan tâm, thực hiện đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp để sẵn sàng phục hồi sản xuất

PV: Thưa ông, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đến nay ra sao? Thời gian gần đây, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch, tỷ lệ ca nhiễm giảm rõ rệt, vậy đâu là những biện pháp để tỉnh từng bước kiểm soát dịch đạt kết quả như hiện nay?

Ông Phạm Tấn Hòa: Có thể khẳng định rằng tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, tính đến ngày 28/9/2021, tỉnh có 11 địa phương “vùng xanh”, 4 địa phương “vùng vàng” và không còn “vùng đỏ”, “vùng cam”. Tỉnh có 12/15 địa phương không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh mới; 3 địa phương ghi nhận ca mới, tuy nhiên đã xác định được nguồn lây và khoanh vùng xử lý  dịch, bóc tách F0, F1 kịp thời. Số ca F0 giảm mạnh, từ đầu tháng 9/2021, bình quân trên 300 ca/ngày và từ nửa cuối tháng 9 đến nay còn dưới 200 ca/ngày.

Đặc biệt, số ca nhiễm sàng lọc trong cộng đồng giảm rất đáng kể. Cụ thể, tuần có số ca mắc cao nhất (từ ngày 04 đến 10-8-2021) là 1.664 ca; tuần từ ngày 01 đến 07/9/-2021 có số ca cộng đồng là 479; tuần từ ngày 08 đến 14/9/2021 có số ca cộng đồng 229; tuần từ ngày 15 đến 21/9/2021 có số ca cộng đồng 76 và từ ngày 22 đến 26/9/2021 chỉ có 31 ca trong cộng đồng. Tỷ lệ số người lấy mẫu xét nghiệm dương tính/số người lấy mẫu xét nghiệm bằng RT-PCR đơn có chiều hướng giảm trong vòng 14 ngày, từ 0,05% ngày 08-9-2021 đến ngày 21/9/2021 chỉ còn 0,002%.

Hiện toàn tỉnh đã đi vào trạng thái “bình thường mới” nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và chuẩn bị tiến tới thực hiện toàn diện phục hồi KT-XH của tỉnh

Hiện toàn tỉnh đã đi vào trạng thái “bình thường mới” nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và chuẩn bị tiến tới thực hiện toàn diện phục hồi KT-XH.

Để có được kết quả bước đầu đáng khích lệ như trên là do tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tỉnh xác định tập trung thực hiện quyết liệt “3 mũi giáp công”: Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; tiêm vắc-xin toàn dân từ 18 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, phải khẳng định rằng sự tin tưởng, đồng hành của người dân, DN trên địa bàn là một trong những thành tố quan trọng.

PV: Theo ông, trong cả quá trình phòng, chống dịch, đâu là điểm nhấn để Long An khác biệt so với các tỉnh, thành để từng bước khống chế dịch. Những mô hình phòng, chống dịch, hiệu quả của tỉnh là gì?

Ông Phạm Tấn Hòa: Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xác định đúng mục tiêu, lựa chọn đúng chiến lược và tổ chức triển khai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng khu vực, địa bàn cụ thể.

Tỉnh thực hiện chiến dịch sàng lọc cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm bảo đảm các F0 nhanh chóng được tách khỏi cộng đồng và đưa đi điều trị kịp thời. Chủ động khống chế dịch ngay trong nhà máy, DN, khu nhà trọ nhằm giảm thiểu sự lây lan cộng đồng; bảo đảm khoanh vùng và cách ly ngay tại nơi sản xuất, nhà trọ.

Đối với những khu nhà trọ có phát sinh ổ dịch, tỉnh chủ động giãn mật độ, di chuyển người dân kịp thời và tổ chức phun khử khuẩn, làm sạch khu vực. BCĐ, Sở Chỉ huy và các tiểu ban tăng cường kiểm tra đến tận các khu vực cách ly, phong tỏa, nhà trọ, cơ sở thu dung, điều trị,... Từ đó, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, giúp các địa phương chấn chỉnh những hạn chế, bất cập. Đến ngày 28/9/2021, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 98,8%, mũi 2 đạt gần 21%. Sở Chỉ huy tỉnh, trung tâm chỉ huy huyện, xã và các sở, ngành duy trì trực 24/24 giờ để tiếp nhận, giải quyết những khó khăn của người dân trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Tỉnh duy trì một số bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19

PV: Công tác an sinh thời gian qua tại tỉnh được bảo đảm, không có người dân thiếu ăn, vậy những hỗ trợ gì đã được tỉnh triển khai đến tay người dân?

Ông Phạm Tấn Hòa: Tỉnh xác định việc bảo đảm an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng và có mối quan hệ hữu cơ kết quả công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ nhất. Tính đến ngày 27/9/2021, tỉnh triển khai hỗ trợ cho 424.452 người thuộc các nhóm đối tượng với tổng kinh phí trên 326 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 126.778 người với số tiền trên 216 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho 8 DN vay trả lương cho 1.482 người lao động với số tiền 3,971 tỉ đồng (với lãi suất 0%) và đang xem xét thêm hồ sơ của 11 DN. Ngoài ra, tỉnh đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng với địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng.

Đồng thời, tỉnh, huyện, xã và các ngành thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận đầy đủ, kịp thời giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân gặp khó khăn.

PV: Trong kế hoạch sắp tới, những định hướng BCĐ sẽ thực hiện trong bối cảnh “bình thường mới” như thế nào, về công tác lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm vắc-xin, điều trị?

Ông Phạm Tấn Hòa: Thời gian tới, BCĐ tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai, thực hiện có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc “Lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài”, “người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”, gắn với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ Covid cộng đồng và thực hiện đúng, đầy đủ thông điệp “5T” của Bộ Y tế, bảo đảm làm tốt công tác an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tiêm vắc-xin toàn dân là 1 trong 3 “mũi giáp công” quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh

Về công tác xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1409/CĐ-BYT, ngày 15/9/2021 và Công điện 1436/CĐ-BYT, ngày 19/9/2021. Với phương châm thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch; tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, để công tác xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tiết kiệm, hiệu quả thì việc xác định vùng, đối tượng nguy cơ cao và rất cao là rất cần thiết. Khi phát hiện có ca dương tính thì nhanh chóng khoanh vùng, chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu phấn đấu trong 12 đến 24 giờ phải xét nghiệm, truy vết xong và tổ chức phong tỏa hẹp.

Đối với công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh tập trung làm tốt công tác điều trị, đặc biệt là tầng 1 và 2, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển lên tầng 3; tăng cường tập huấn, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, bảo đảm chuyển tuyến thông suốt kịp thời.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, thành lập thêm các trạm y tế lưu động để công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 được kịp thời hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn, giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Thực hiện cách ly gọn lại trong phạm vi gia đình và những người tiếp xúc gần trong họ hàng.

Từng bước chuyển đổi dần một số bệnh viện huyện trở về chức năng ban đầu để tiếp nhận và điều trị các bệnh lý không phải Covid-19. Đồng thời, duy trì một số bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị. Tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị để giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ vắc-xin và tập trung triển khai tiêm mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đối với việc phục hồi sản xuất, phát triển KT-XH, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2962/KH-UBND, ngày 13/9/2021 và Công văn số 9108/UBND-KTTC, ngày 16/9/2021 của UBND tỉnh về phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh.

Về công tác an sinh xã hội, tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ cho lao động tự do và đối tượng đặc thù theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với công tác giáo dục và đào tạo, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động dạy và học cho học sinh các cấp học theo kế hoạch đã đề ra. Song song đó, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Khuyến học triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ 754 học sinh nghèo và cận nghèo có những thiết bị học tập ngay trong tháng 9/2021.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết