Quyết liệt ngay từ đầu năm
Năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số, từ 10-11%. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương tập trung thực hiện nhiệm vụ.
Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin, năm nay, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng từ 3-3,5%. Theo đó, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, hiệu quả; theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm tại các huyện vùng hạ; tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;...
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, Sở theo dõi, quản lý chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trong năm 2025, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm; thường xuyên giám sát, đôn đốc việc triển khai, thực hiện của các chủ đầu tư, kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sở tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng ngân sách nhà nước thực hiện các công trình trọng điểm, các công trình thuộc chương trình huy động mọi nguồn lực,...
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thủ Thừa
Ngoài ra, Sở tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI); đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án đầu tư có tác động mạnh đến sự phát triển KT-XH đi vào hoạt động,...
Sở Công Thương chủ trì phát huy vai trò “cầu nối”, giới thiệu, liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ, nhất là liên kết hợp tác với TP.HCM để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong năm 2025, chú trọng phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào kênh phân phối hiện đại; tổ chức các sự kiện nổi bật giới thiệu hàng hóa nông sản của tỉnh. Sở cũng đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, phấn đấu đưa thêm cụm công nghiệp đi vào hoạt động; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong cụm công nghiệp,...
Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết, năm 2025, dự báo có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đây là năm có ý nghĩa trọng đại, với nhiều sự kiện chính trị quan trọng được tổ chức và là năm tiến hành đồng thời 2 “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” và “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” với sự quyết tâm, khẩn trương, cấp bách như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt là “không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”.
Công nhân tất bật trên công trình đường Vành đai 3 TP.HCM
Tiếp nối truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đi đầu trong công cuộc đổi mới, mà nay là “điểm sáng” trong khôi phục, phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để đạt mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”; là cực phát triển mới của khu vực phía Nam: Phát triển nhanh và bền vững; có nền công nghiệp mạnh theo hướng hiện đại; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển chính quyền số, chính quyền kiến tạo: Năng động, sáng tạo và phục vụ.
Trước yêu cầu đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, cách nghĩ, cách làm, thực hiện tốt phương châm “5 thật, 7 dám, 5 rõ”; luôn đặt lợi ích phát triển của tỉnh, của người dân lên trên hết, trước hết; luôn “xem nhân dân và DN là trung tâm phục vụ, DN là nguồn lực, là động lực cho sự phát triển”; tập trung, dồn sức cho các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2025 đã xác định, trên tinh thần phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số và coi trọng chất lượng, hiệu quả; phải hết sức quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, cộng đồng DN trong khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự tôi luyện cho mình có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, bình tĩnh, bản lĩnh, trí tuệ; không nóng vội, không chủ quan, không tự mãn; phải biết tạo áp lực tích cực, “nghĩ lớn, làm lớn để thành công”, đặc biệt, cần đề cao phương châm hành động “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung”; lấy “cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư” để xây dựng lòng tin yêu trong Nhân dân; lấy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là chuyên đề năm 2025 về phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, làm dòng chủ đạo trong công tác tư tưởng và là “kim chỉ nam” hành động trong toàn Đảng bộ./.
Sở Giao thông Vận tải: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, đột phá, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh: Đường vành đai 3 TP.HCM; Đường tỉnh (ĐT) 830E; ĐT827E; dự án xây dựng 3 cầu trên tuyến ĐT827E (cầu bắc qua sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây),...
Từng bước đầu tư nhựa hóa các tuyến đường giao thông chính đến trung tâm các xã, vùng có truyền thống cách mạng, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh như cải tạo, nâng cấp ĐT817 (đoạn từ Mỹ Lạc đi Thạnh Phước), ĐT819 và ĐT831D (đường cặp kênh sông Trăng),...
Thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Phối hợp các bộ, ngành Trung ương đầu tư các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh và triển khai, thực hiện các công trình giao thông liên kết vùng.
Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành lập các quy hoạch xây dựng vùng huyện; điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch đô thị (đặc biệt là quy hoạch đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc), quy hoạch nông thôn phù hợp với Quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng dọc các trục giao thông động lực của tỉnh.
Đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu vực đã có quy hoạch chung được duyệt; hướng dẫn, nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc trên phạm vi toàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân;...
Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định giá đất. Phấn đấu năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khoảng 1.000ha để triển khai các dự án phát triển KT-XH.
Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá hình ảnh con người Long An bằng nhiều hình thức.
Tổ chức các sự kiện du lịch thường niên, mới mẻ với quy mô lớn; các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư vào Long An tại các thành phố lớn và các tỉnh bạn trong cả nước;... Phấn đấu năm 2025, đón 2 triệu lượt khách du lịch, ước đạt tổng doanh thu du lịch khoảng 1.000 tỉ đồng.
|
Thanh Nga