Tiếng Việt | English

23/05/2024 - 19:37

Các đại biểu Quốc hội Long An tập trung kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí  

Sáng 23/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tổ chức phiên thảo luận Tổ đầu tiên để đóng góp các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An tập trung đóng góp nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và công tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục

Theo đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Lê Thị Song An cho biết, thời gian gần đây, chính sách miễn, giảm học phí theo cấp học, theo đối tượng được hưởng chính sách đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đối với bậc đại học, đại biểu chia sẻ với bối cảnh các trường đại học thực hiện tự chủ như hiện nay, nguồn thu chính vẫn là học phí, các nguồn thu còn lại không lớn, khi Nhà nước cắt giảm phần chi thường xuyên, chi đầu tư ít, các trường phải tự trang trải kinh phí để đảm bảo hoạt động. Đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi lại chính sách theo hướng xác định lộ trình tăng học phí cần phù hợp, kiểm soát việc tăng học phí của các trường đại học.

Rà soát các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, đảm bảo sự bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Trong đó, Nhà nước phải tính đến các giải pháp không để học phí là rào cản của sinh viên đến với môi trường trường đại học; cần có thêm nhiều chính sách cho sinh viên thuộc đối tượng miễn giảm học phí hoặc tăng cường học bổng theo từng học kỳ giúp cho sinh viên có thêm động lực phấn đấu.

Bên cạnh đó, đối với cấp phổ thông, lộ trình miễn giảm học phí các cấp học, hiện nay một số địa phương HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết miễn giảm học phí cho học sinh. Tuy nhiên, việc giảm học phí qua phản ảnh của cử tri, cũng chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, thiết nghĩ, chính sách này phải được triển khai thống nhất ở tất cả các địa phương, nhằm tránh xảy ra sự bất công bằng trong giáo dục, địa phương có điều kiện quan tâm thì được miễn giảm, địa phương chưa có điều kiện quan tâm thì chưa được miễn giảm. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri phản ánh tại các buổi tiếp xúc của ĐBQH trong thời gian qua, đại biểu đề nghị, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm có hướng dẫn chính sách thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước.

Đối với kiểm định chất lượng giáo dục, đây là công cụ để đánh giá chất lượng giáo dục tại một cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức kiểm định lại do các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố thực hiện. Điều này đặt ra vấn đề việc điểm định có đảm bảo tính khách quan, có thật sự là trường đạt tiêu chuẩn như quy định theo Thông tư của Bộ hay là vấn đề chạy theo chỉ tiêu do ngành đặt ra. Để đảm bảo tính khách quan, đánh giá đúng thực chất, bà Song An cũng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định về tổ chức kiểm định độc lập để thực hiện công tác kiểm định chất lượng, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay, đồng thời, chủ động triển khai sớm các quy định về tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để giúp cho các địa phương và học sinh thuận lợi trong giảng dạy và học tập.

Đối với tình trạng quy hoạch mạng lưới trường lớp để đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông mới còn nhiều nơi còn bất cập giữa đô thị và nông thôn, nhiều hạn chế trong hệ thống như vấn đề giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng, trường chuẩn quốc gia. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu cùng địa phương để có những giải pháp khắc phục những khó khăn này.

Đối với công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, đại biểu cho biết, cải cách chương trình giáo dục quốc gia đang thể hiện đúng định hướng, bước đầu tạo được sự đồng thuận của các bên liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn tồn tại, hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp, chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp; tỷ lệ phân luồng học sinh còn thấp, chưa đạt mục tiêu mà Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 đã đề ra.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định mang tính quy phạm và hướng dẫn thực hiện như chưa có quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH tại khoản 3 Điều 9 Luật Giáo dục năm 2019.

Còn rất nhiều đề án như Đề án đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề, Đề án đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, Đề án đổi mới cơ chế đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, Đề án đổi mới chính sách hỗ trợ, chính sách tài chính cho các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công lập,… đến nay vẫn chưa được các Bộ, ngành liên quan ban hành.

Đồng thời, theo Quyết định số 522 ngày 14/5/2018 của Chính phủ phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông 2018 - 2025 quy định đến năm 2025, tỷ lệ tuyển sinh các trường chưa phù hợp, còn nhiều bất cập, bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất các Trường nghề còn thấp.

Đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường nghề; nghiên cứu điều chỉnh lại các chỉ tiêu trong Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế từng vùng, miền và địa phương.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Giám đốc Sở Tư pháp Long An kiến nghị một số nội dung nhằm khắc phục tình trạng lãng phí thời gian qua

Tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An kiến nghị một số nội dung liên quan như cần có cơ chế, phương án khắc phục tình trạng lãng phí trong việc sắp xếp tài sản nhà nước; có giải pháp tháo gỡ, xử lý, giải quyết các vụ việc còn tồn đọng liên quan đến phát quyết của trọng tài thương mại, các bản án, các quyết định của tòa án liên quan đến tài sản nhà đất, tài nguyên.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, vì dự án này đã ngừng đầu tư và không hoạt động hơn 10 năm, làm lãng phí rất lớn nguồn lực tài nguyên đất đai, vấn đề này, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất thời gian qua.

Bên cạnh đó, thời gian tới, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị, Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương; hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cần đồng bộ, tránh trường hợp mỗi cơ quan, mỗi ngành xây dựng một cơ sở dữ liệu khác nhau; thực hiện lộ trình cải cách hành chính từ từ theo từng giai đoạn, cần đánh giá tác động với từng vùng, từng miền, từng địa phương; nghiên cứu, đảm bảo sự hoài hòa, đồng bộ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, phù hợp với quy định xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hiện nay./.

Nhật Duy

Chia sẻ bài viết