Tiếng Việt | English

07/05/2025 - 23:15

Các đại biểu tích cực đóng góp dự Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)   

Tiếp tục chương trình trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và 02 dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Long An thảo luận tại Tổ 11 cùng với các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sơn La, Bắc Cạn và Vĩnh Long.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật lần này là để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Tham gia đóng góp đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật quy định:“Quyền được bảo vệ khỏi các hành vi can thiệp trái pháp luật của tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành công vụ”, vì qua thực tế cho thấy một vài cán bộ, công chức khi thực hiện công vụ bị can thiệp, gây áp lực từ các cá nhân hoặc tổ chức có lợi ích riêng.

Vì vậy, cần có quy định cụ thể để bảo vệ họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ khách quan, đúng pháp luật; tăng tính trách nhiệm và kỷ cương trong hoạt động công vụ, tạo lòng tin của người dân vào các cơ quan công quyền.

Đồng thời, dự thảo luật cần làm rõ các điều kiện xác lập như: hành vi công vụ hợp pháp, có văn bản xác minh của cơ quan có thẩm quyền, xác định được nguyên nhân thương tích hoặc tử vong là do thực hiện công vụ; đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, quy trình, tiêu chí đề nghị công nhận, bảo đảm công bằng và thống nhất trong việc thực hiện.

Về những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến công vụ tại Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho rằng đã có sự kế thừa các quy định trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính toàn diện, chặt chẽ và khả thi trong việc điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong môi trường số, công nghệ số, để có căn cứ điều chỉnh, xử lý vi phạm và nâng cao trách nhiệm công vụ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số hành vi cụ thể như:“Lợi dụng mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông hiện đại để đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.”; và “Không thực hiện trách nhiệm nêu gương, thiếu trung thực, không minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ công vụ.”, “Làm lộ hoặc mua bán thông tin cá nhân, thông tin nội bộ.”

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên còn đóng góp các quy định liện quan đến phân loại công chức; căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức; quy định chi tiết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong từng cấp bậc công chức hoặc từng đơn vị cụ thể và các quy định về quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức.

Cùng tham gia góp ý đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cho rằng một số tiêu chí về đánh giá công chức tại Điều 29 và Điều 30 vẫn còn mang tính định tính, dễ phát sinh tậm lý chủ quan.

Do đó, cần có sự giám sát độc lập, cũng như bỗ sung thêm vai trò của các tổ chức đoàn thể, cấp ủy trong giám sát đánh giá nhằm đảm bảo sự công khai, công tâm, dân chủ, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều trong đánh giá công chức.

Về các nội dung liên quan đến kỷ luật công chức, dự thảo luật nêu 04 mức kỷ luật đối với công chức, trong đó công chức không giữ chức vụ lãnh dạo quản lý chỉ có 3 mức gồm hiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa mức khiển trách và buộc thôi việc.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An đóng góp dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Bên cạnh đó, đại biểu còn đề nghị, giữ quy định hiện hành là chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức đang mang thai và đang nghỉ thai sản (trừ trường hợp đặc biệt nghiêm trọng). Vì đây là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ bà mẹ trẻ em.

Đồng thời, bổ sung quy định khung về cá nhân người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về thực hiện quyền khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện của cán bộ, công chúc trong khen thưởng, kỷ luật và cần quy định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật phải được tính từ thời điểm phát hiện phạm cho phù hợp với thực tế.

Tham gia đóng góp dự thảo Luật chính quyền địa phương, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ và cân nhắc việc quy định tên gọi các Ban của HĐND cấp xã phải có tính thống nhất, đồng bộ và cân đối về lĩnh vực theo dõi, giám sát và sát với thực tiễn cuộc sống đó là Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hoá - Xã hội.

Thực tế trong thời gian vừa qua và thời gian tới việc bỏ cấp huyện thì nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển giao về cấp xã, đồng thời việc mở rộng quy mô, phạm vi cấp xã hiện nay thì khối lượng, áp lực công việc tăng lên rất nhiều, cấp xã là cấp trực tiếp triển khai thực hiện và giải quyết các vấn đề sát dân, gần dân trong phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống văn hoá, tinh thần, an sinh xã hội trong nhân dân,… cần có sự giám sát của HĐND.

Đồng thời, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã mới quy định tại điều 21 của dự thảo luật đã bổ sung rất nhiều chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kinh tế, ngân sách, văn hoá xã hội cho chính quyền cấp xã.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đóng góp dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Đối với quy định chuyển tiếp tại Điều 54 của dự thảo luật, Đại biểu Trần Quốc Quân cho rằng cần có sự thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định về Hội thẩm Toà án nhân dân cấp huyện sau thời điểm ngày 01/7/2025. Nếu không có quy định cụ thể thì việc chuyển Hội thẩm nhân dân Toà án cấp huyện do HĐND cấp huyện bầu, phê duyệt sang Hội thẩm nhân dân Toà án khu vực sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có khoảng trống pháp lý trong trường hợp này./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết