Tiếng Việt | English

25/08/2022 - 19:50

Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023

Đầu tư cơ sở vật chất để xây thêm trường mới, sửa sang phòng học cũ, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên..., các địa phương đang tích cực chuẩn bị khi năm học mới 2022-2023 đã cận kề.

Chỉ còn 10 ngày nữa, lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ còn hơn một tuần nữa, năm học 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu. Công tác chuẩn bị đã cơ bản được các địa phương hoàn tất để sẵn sàng chào đón các em học sinh trở lại trường, chào đón năm học mới.

Thêm trường lớp mới

Năm học này, tỉnh Điện Biên có trên 207.000 học sinh. Là một địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để các em học sinh tựu trường, khai giảng năm học mới theo đúng thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, ngành đã tham mưu lãnh đạo tỉnh cân đối ngân sách và huy động xã hội hóa để xây mới gần 100 phòng học, 26 phòng làm việc, 26 phòng ở nội trú, các công trình nhà công vụ, bếp ăn, nước sạch, sân chơi…với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Tổng số phòng học phục vụ năm học mới là gần 7.500 phòng (trong đó tỷ lệ kiên cố là trên 72%), gần 1.300 phòng học bộ môn (tỷ lệ kiên cố là 80%). Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học.

Tại Bắc Giang, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cho hay với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, năm học mới này, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của tỉnh đã đạt 93,8%, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm học trước. Tại Yên Bái, hàng trăm phòng học cũng đã được sửa chữa, xây mới để có thể sử dụng cho năm học mới.

So với các tỉnh miền núi, Hà Nội có rất nhiều lợi thế khi là trung tâm của cả nước. Tuy nhiên, Thủ đô cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất khi quy mô dân số tăng nhanh khiến nhiều trường học quá tải, tỷ lệ học sinh trên lớp cao.

Tốc độ tăng dân số quá nhanh, Hà Nội áp lực vì quá tải học sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2021-2022, thành phố đã xây mới, thành lập mới 51 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa trên 600 trường với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, bố trí trên 1.460 tỷ đồng mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường, đặc biệt thiết bị cho lớp 1 và lớp 6. Ngày 6/5/2022, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025, trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo dự kiến đầu tư 653 dự án với kế hoạch vốn 20.913,4 tỷ đồng.

Nỗ lực đáp ứng chương trình mới

Năm học 2022-2023 tới đây cũng là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở cả ba cấp: tiểu học (lớp 1, 2, 3), trung học cơ sở (lớp 6, 7) và trung học phổ thông (lớp 10). Việc chuẩn bị đội ngũ, sách giáo khoa, chương trình giáo dục địa phương đã được các tỉnh đặc biệt quan tâm.

Để chuẩn bị cho việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3, 7 và 10, Điện Biên đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới, cử hàng nghìn giáo viên các cấp đi bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới, tập huấn sách giáo khoa.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã xây dựng và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình giáo dục địa phương để kịp sử dụng cho khối lớp 10 năm học 2022-2023. 100% giáo viên dạy chương trình mới của tỉnh được tập huấn, sẵn sàng cho năm học mới.

Tại Yên Bái, cùng với việc tăng cường bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo còn tiếp tục dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên dài hạn, đảm bảo đáp ứng về cơ cấu, số lượng, chất lượng.

Tuy đã có nhiều nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ, nhưng nhiều địa phương vẫn còn những khó khăn chưa thể giải quyết ngay trước thềm năm học mới, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên.

Tại Điện Biên, kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới của sở cho thấy rất nhiều trường thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học lớp 3. Huyện Mường Nhé thiếu 302 giáo viên theo định mức, trong đó giáo viên tin học thiếu 20 người, giáo viên tiếng Anh thiếu 18 người. Huyện Nậm Pồ thiếu 228 biên chế trong đó thiếu 6 cán bộ quản lý, 150 giáo viên và 71 nhân viên.

Thiếu giáo viên, các địa phương đang phải triển khai nhiều giải pháp để khắc phục. Tại Yên Bái, tỉnh phát huy tinh thần xung phong của giáo viên. Tính đến ngày 16/8, đã có 15 giáo viên tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái tự nguyện đi biệt phái hỗ trợ giảng dạy môn Tiếng Anh cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Tại Điện Biên, các trường phải bố trí đưa học sinh lớp 3 về điểm trường trung tâm, luân chuyển giáo viên tiếng Anh trung học cơ sở xuống dạy tiểu học, cử cán bộ, giáo viên đi học thêm để về dạy môn tin học.

Tuy nhiên, theo các sở giáo dục và đào tạo, đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời vì không thể duy trì lâu dài cũng như không thể đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết