Tiếng Việt | English

07/11/2016 - 09:53

99 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/2016)

Cách mạng Tháng Mười Nga với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Cuộc Cách mạng (CM) xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đến nay gần tròn 1 thế kỷ. Thế giới hiện đại có nhiều đổi thay, quan điểm của các giai tầng xã hội cũng có những phân hóa, thay đổi, thậm chí mâu thuẫn. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội (CNXH) với tư cách một chế độ xã hội đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người - cũng như những gì mà CM Tháng Mười Nga và sự nghiệp xây dựng CNXH tồn tại ở Liên Xô hơn 70 năm làm cho nhân loại tiến bộ vẫn khát khao phấn đấu cho một hình thái kinh tế - xã hội tương lai, mà ở đó, cùng với phúc lợi dồi dào là những nguyên tắc đạo đức phổ biến và thật sự thắm đầy nghĩa tình.


V.I. Lê-nin - lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Ảnh: Internet

Những thành tựu sau hơn 70 năm xây dựng CNXH ở Liên Xô là không thể phủ nhận

CM Tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra, đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu bức bách của lịch sử là xóa bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, mở ra chân trời mới cho mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội. Để có được thắng lợi của cuộc “tổng tiến công” cuối cùng trong CM Tháng Mười, những người Bôn-sê-vích Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin chuẩn bị về mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức, quân sự,...

Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I. Lê-nin, những người Bôn-sê-vích xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn đảng là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía CM; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản CM; thành lập lực lượng vũ trang CM làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình,...

Sau CM Tháng Mười, V.I. Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga tập trung công sức đặc biệt cho vấn đề củng cố chính quyền Xô-viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất được ban hành ngay sau CM thành công đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động làm hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.

Sau CM Tháng Mười, sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô làm xuất hiện hàng loạt những đội lao động cộng sản chủ nghĩa. Đó chính là biểu hiện thực tế sinh động của chủ nghĩa tập thể, đưa tinh thần thi đua và tương trợ lẫn nhau vì một mục tiêu chung là đóng góp thật nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN. Nhằm xây dựng thành công CNXH, theo Lê-nin, phải tạo ra được năng suất lao động cao hơn năng suất lao động trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Để làm được điều đó, cần áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động,...

Tư tưởng này thể hiện trong câu nói nổi tiếng của ông: Chính quyền Xô-viết + trật tự đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức Cac tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ,... = Chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, đằng sau tất cả các biện pháp có tính kỹ thuật là yêu cầu về một tinh thần, thái độ lao động mới, thái độ lao động cộng sản. CNXH bắt đầu từ nơi nào xuất hiện sự lao động quên mình, khắc phục khó khăn, vất vả, sự quan tâm của đông đảo công nhân bình thường đến việc phát triển lao động sản xuất, đến việc giữ gìn từng pút bánh mì, than, sắt, thép và những sản phẩm khác, không phải vì cá nhân mà vì “những người gần gũi”, “những bà con xa”, nghĩa là toàn thể xã hội nói chung.

Chủ nghĩa tập thể, thái độ lao động cộng sản; chủ nghĩa yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế cao cả; tình yêu, sự thông cảm, sự tương trợ, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người một cách bình đẳng, vô tư và phổ biến làm mục tiêu hướng tới của CM Tháng Mười và sự nghiệp xây dựng CNXH. Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản không phải sự ban phát tình thương của người trên đối với kẻ dưới, không phải là sự bố thí của người giàu cho kẻ nghèo,... Yêu cầu đạo đức của chủ nghĩa nhân đạo, cộng sản chủ nghĩa là mọi người tự thấy trách nhiệm quan tâm đến người khác, đến xã hội và đến con người nói chung “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nguyên tắc này, ở một mức độ nhất định, lần đầu tiên được thể hiện và thực hiện với CM Tháng Mười Nga và sự nghiệp xây dựng CNXH ở Liên Xô, tạo nên những thành tựu vĩ đại ở Liên Xô sau hơn 70 năm xây dựng CNXH.

99 năm trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, đảo lộn; xuất hiện rất nhiều sự đánh giá khác nhau về sự nghiệp của những người cộng sản. Tuy nhiên, chính thực tiễn lịch sử thế giới trong gần một thế kỷ qua, kể từ CM Tháng Mười Nga, khẳng định, Liên bang Xô-viết, nơi mà người dân lao động thực tế tạo dựng nên tất cả, được xem là tâm điểm chú ý và mối quan tâm đến người lao động chính là nền tảng trong chính sách.

Phát huy giá trị và ý nghĩa thực tiễn của CM Tháng Mười Nga; công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trên tinh thần thống nhất ý Đảng - lòng dân. Là một Đảng CM chân chính, Đảng ta không có mục đích tự thân; sự ra đời, tồn tại, phát triển của Đảng chỉ vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; phấn đấu, hy sinh cũng chỉ vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Tổ quốc, của dân tộc và nhân dân.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn đối với Đảng ta hiện nay có bài học từ thực tiễn tan rã của đảng cộng sản Liên Xô

Phát huy giá trị và ý nghĩa thực tiễn của CM Tháng Mười Nga; công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trên tinh thần thống nhất ý Đảng - lòng dân. Là một Đảng CM chân chính, Đảng ta không có mục đích tự thân; sự ra đời, tồn tại, phát triển của Đảng chỉ vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; phấn đấu, hy sinh cũng chỉ vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Tổ quốc, của dân tộc và nhân dân.

Song, sau 30 năm đổi mới với sự tác động tích cực lẫn tiêu cực của cơ chế thị trường vào các mặt của đời sống xã hội, vào "đời sống" của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên,... sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao; quan liêu, xa dân, sự vô trách nhiệm, thậm chí vô cảm ở một bộ phận ấy đến mức độ nặng nề; tham nhũng vừa là nguy cơ, vừa là quốc nạn bởi nó xuất hiện ở nhiều nơi, với những mức độ, hậu quả khác nhau.

Do đó, xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền trong điều kiện mới, phải chú trọng xây dựng về đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là tính trung thực, trách nhiệm, khiêm tốn, giản dị, có lòng chân thành, có đức bao dung, có tình yêu thương đồng chí lẫn nhau, đặc biệt không làm gì tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Đạo đức cán bộ, đảng viên yếu kém, suy thoái dẫn đến chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, dễ dao động, chao đảo, tự đánh mất hoặc phản bội lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nhìn vào sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô với sự xuất hiện hai loại tình huống nguy hiểm: Khoảng trống ý thức hệ do hỗn loạn về tư tưởng và khoảng trống quyền lực do từ bỏ những nguyên tắc cơ bản của Đảng và mất khả năng chiến đấu càng cho thấy hậu quả tự hủy hoại như thế nào đối với một chính đảng CM. Xa dân, quan liêu, tham nhũng và những suy thoái khác không được kiểm soát, không bị lên án, chậm phát hiện, sửa chữa đến mức không còn khả năng để sửa chữa là bài học phản diện về sự tan rã của các đảng cộng sản cầm quyền, sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa cảnh báo.

Từ thực tiễn CM Tháng Mười Nga chứng minh rằng, bất cứ một chế độ nào đi ngược lại lợi ích chân chính của dân tộc, của nhân dân, cản trở tiến bộ xã hội tất yếu bị đào thải, thay thế bởi một chế độ xã hội khác tốt đẹp hơn. Rõ ràng, xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là khi Đảng cầm quyền trong điều kiện mới chẳng những cần thiết mà còn phải thường xuyên, lâu dài, phải được đặt lên hàng đầu. Nó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng. Nội dung xây dựng Đảng về đạo đức cần được nhận thức và thực hiện ra sao? Bằng cách nào?... Hàng loạt vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đối với Đảng ta hiện nay đòi hỏi các tổ chức Đảng ở mọi cấp không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu để sớm đưa đường lối, quan điểm, nghị quyết, định hướng phát triển KT-XH giai đoạn 2015-2020 của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải kiên quyết và sớm khắc phục hạn chế, yếu kém; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng và lợi ích chính đáng, giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngay từ cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể phải luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm lo tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tận tâm, tận lực, tận tụy với công việc để tạo và củng cố niềm tin cho nhân dân,... Bám sát thực tiễn cơ sở, nắm và dự báo tâm trạng, tư tưởng của nhân dân, của xã hội để kịp thời định hướng dư luận cho phù hợp; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về xây dựng, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong giai đoạn mới./.

Huỳnh Thị Thu Năm

Chia sẻ bài viết