Tiếng Việt | English

20/08/2021 - 19:45

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM - Cội nguồn cảm xúc của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

“Nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì tôi biết làm gì? Phải nói rằng cách mạng đã sinh ra tôi lần thứ hai” - lời nói năm nào của cố nhạc sĩ (NS) Phan Huỳnh Điểu như lời khẳng định cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn người NS. Từ mạch nguồn cảm xúc ấy, nhiều sáng tác của cố NS đã ra đời, được trau chuốt từng giai điệu vừa mang âm hưởng trữ tình, hào sảng, vừa chứa đựng tinh thần lạc quan, yêu đời,...

1. Tạp chí Hồn Việt số 95 (8/2015) viết về cố NS Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015) ngay khi ông vừa nằm xuống: “Ông được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”; là một trong những NS sáng lập Hội NS Việt Nam, chiến đấu và sáng tác ở chiến trường thời chống Pháp và chống Mỹ. Là tác giả của nhiều ca khúc chiến đấu và trữ tình nổi tiếng…”.

70 năm đi cách mạng, sáng tác hàng trăm bản nhạc làm rung động lòng người bao thập kỷ qua, mà khi có phóng viên hỏi: “Cội nguồn cảm xúc của NS, để định rõ hơn phong cách nghệ thuật của mình?”, thì ông trả lời: “Nói gì thì nói, điều đầu tiên tôi muốn nói rằng cuộc đời NS của tôi được khai nguồn, được nuôi dưỡng… được cất nhắc là nhờ Cách mạng Tháng Tám. Nếu không có Cách mạng Tháng Tám thì tôi biết làm gì? Phải nói rằng cách mạng đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Ở Long An, mỗi khi hát “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, ai mà không bâng khuâng nhớ dòng sông Vàm Cỏ Đông qua hai mùa kháng chiến... Dòng sông đi vào thơ Hoài Vũ, rồi Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, chắp cánh cho hồn thơ bay cao, bay xa, cho dòng sông ấy trở nên thơ mộng, trữ tình và hùng tráng...

Chân dung cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

2. Trong một tự truyện của mình, NS Phan Huỳnh Điểu thổ lộ: Lên 7 đã nghe má hát ru con. Giọng hát má đi suốt cuộc đời con. “Chiều chiều ông Lữ đi câu/ Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng”, điệu hát ru con khu 5 - Nam, Ngãi, Bình, Phú - bình dị, gieo vào lòng người NS tương lai một tình yêu quê hương nồng ấm. Đến tuổi đôi mươi, ngọn gió Cách mạng Tháng Tám vừa thổi bùng lên ở xứ Quảng, chàng trai ấy đã ra đi cho tới năm 1954, tan giặc Pháp, hay tin con về đóng trên Sông Vệ (Quảng Ngãi), má bươn bả đi thăm. Chỗ nào không đón được xe, má lội bộ bốn, năm chục cây số không quản thân già. Hai má con gặp lại nhau, biết con đang làm NS cho cách mạng, má mừng mà nước mắt đoanh tròng. Rồi má con chia ly.

20 năm sau, vào ngày đại thắng 30/4/1975, hai má con mới gặp lại nhau ở quê nhà Đà Nẵng khi tóc má đã bạc phơ. Má vẫn hát ru cho con trai NS đã vào tuổi 60 nghe. Khi con tính tìm máy ghi âm thu lời hát ru của má để lại cho các cháu sau này, chưa kịp tiến hành thì má đã ra đi ở tuổi 95. Thương yêu, ngưỡng mộ má, người NS tài hoa ấy tự vinh danh cho má mình là Nghệ sĩ nhân dân vô danh!

3. Ở tuổi đôi mươi, vừa bước vào Cách mạng Tháng Tám, NS Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát Giải phóng quân (1945) góp sức cho đoàn quân Nam tiến, dù tác giả chưa qua một lớp học nhạc nào. Trong một tự truyện của mình, NS cho biết: Lúc đó, xuất bản nhạc không dễ, vì thiếu nhà xuất bản (NXB). Đi tìm khắp mới ra, nhưng họ nghi ngờ “… bài Giải phóng quân này là của anh đấy à? Có đúng là của anh không?”. “Tại sao lại hỏi vậy? Của tôi, tôi mới dám cầm đi hỏi NXB chớ?”. Rồi “đứa con đầu lòng” mang tên Giải phóng quân được xuất bản, NXB còn trả tiền bản quyền cho tác giả.

Cầm những tờ tiền mới toanh, 800 đồng chớ ít ỏi gì, khiến chàng NS trẻ xúc động run lên. Có món tiền lớn, NS Phan Huỳnh Điểu đi mua đàn, duyên số thế nào mà mua trúng cây đàn ghi-ta của vua Bảo Đại đã thoái vị bởi Cách mạng Tháng Tám, vì có người vào Đại Nội hôi của, lấy được, mang ra ngoài bán, và NS mua với giá 80 đồng. Có cây đàn tốt trong tay, NS hưng phấn, ngày và đêm dành hết cho sáng tác. Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong,... nối nhau ra đời.

Giải phóng quân với những nhịp điệu: “Này Giải phóng quân một lần ra đi/ Nào có sá chi đâu ngày trở về/ Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi/ Ra đi, ra đi thà chết chớ lui…” cứ thế theo bước chân Giải phóng quân. “Một câu hát ngắn gọn như một lời thề, qua mấy chục năm vẫn luôn luôn thúc giục tôi và mọi người hãy ngẩng cao đầu mà đi. Tin vào tương lai, nhất định Tổ quốc chúng ta sẽ đàng hoàng và tươi đẹp hơn” (Tự truyện Phan Huỳnh Điểu).

Nếu không có Cách mạng Tháng Tám, tuổi đôi mươi Phan Huỳnh Điểu biết làm gì? Cũng như Nguyễn Đình Thi viết bài thơ Đất Nước trong ngọn lửa Cách mạng Tháng Tám, khi mới 24 tuổi: “... Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta/ Thằng giặc Tây, thằng chúa đất/ Đứa đè cổ, đứa lột da…”. Trong hoàn cảnh bức bối như vậy, Cách mạng Tháng Tám như “phép lạ cứu rỗi”, bởi: “Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà”. Lửa cách mạng bùng lên và lan xa, lan xa. “Ôm đất nước, những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng/… Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùng đứng dậy sáng lòa!”.

Trước Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta là “những cánh đồng chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều”; trong cách mạng là toàn dân “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám ấy, chúng ta đang chống dịch Covid-19 như chống giặc, nhất định thắng, để sớm bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hiện đại theo con đường Đảng đã vạch ra./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết