Tiếng Việt | English

14/08/2017 - 19:31

Cải tiến sáng chế “Thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch”

Với tinh thần đam mê nghiên cứu, những sáng chế nổi bật của anh Cường đều hướng đến việc phục vụ những người sản xuất, kinh doanh thanh long - loại quả đặc sản của quê hương Long An.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cường (SN 1982), quê ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, hiện là Giám đốc Công ty TNHH SX TM&XNKHiệp Phát (HIPACO) Long An. Anh vốn là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho một số công ty nước ngoài ở TP.HCM một thời gian, sau đó về quê lập nghiệp (làm giáo viên dạy cơ khí tại Trung tâm Dạy nghề Bến Lức và mở xưởng cơ khí ở số 827, ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An). Với tinh thần đam mê nghiên cứu, những sáng chế nổi bật của anh Cường đều hướng đến việc phục vụ những người sản xuất, kinh doanh thanh long - loại quả đặc sản của quê hương Long An.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cường

Một trong những sáng kiến của anh là máy băm dây thanh long. Sáng chế này của anh được UBND tỉnh trao giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2014. Máy giúp băm nhỏ những dây thanh long già, dây mang mầm bệnh kết hợp một số chế phẩm vi sinh để ủ thành phân hữu cơ đem bón lại cho cây, giúp tăng năng suất cây trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm được thiết kế an toàn cho người sử dụng, di chuyển dễ dàng trong vườn thanh long bằng hệ thống bánh xe đẩy được đặt ở phía dưới. Sản phẩm này được bán với giá 11,6-12,6 triệu đồng/máy tùy theo nhu cầu của khách hàng, máy rất thích hợp cho hộ gia đình.

Bên cạnh đó, anh Cường còn được nhiều người biết đến với thiết bị đang được ứng dụng rộng rãi đó là thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch. Trước đây, khi chưa có thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch, các công ty xuất khẩu thanh long thường dùng 2 phương pháp thủ công phổ biến là ngâm nước rồi dùng bàn chải chà nhẹ từng trái hoặc công nhân cầm từng trái thanh long xoay dưới vòi phun áp lực cho đến khi sạch thì thôi. Với những phương pháp này, để rửa sạch 2 tấn thanh long phải cần đến 20 người rửa trong suốt 1 giờ mà không bảo đảm chất lượng trái. Từ những khó khăn trên, tháng 01-2016, anh Cường sáng chế thành công thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch. Thiết bị giúp trái thanh long sạch đều, không ảnh hưởng đến chất lượng, góp phần giảm chi phí sản xuất và nhân công lao động cho khâu rửa và làm khô. Công suất của thiết bị là 3 và 4 tấn/giờ, lần lượt đối với thanh long ruột đỏ và ruột trắng, bảo đảm chất lượng trái sau xử lý đủ tiêu chuẩn đóng gói và xuất khẩu.

Với tinh thần không ngừng học tập và nghiên cứu, mới đây, anh Cường lại tiếp tục cải tiến dây chuyền rửa thanh long. Anh cho biết, sáng chế đầu tiên chỉ có công suất 1,5-2 tấn/giờ, cần 4 lao động và mức độ làm sạch chỉ đạt hơn 70%. Sau nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, sản phẩm hiện nay có công suất 5 và 7 tấn/giờ, lần lượt đối với thanh long ruột đỏ và ruột trắng, chỉ cần 2 công lao động và độ sạch đạt trên 98%, không làm gãy tai, giập trái và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thiết bị có công suất xử lý thanh long ruột đỏ thấp hơn thanh long ruột trắng là do thanh long ruột đỏ thường có nhiều vết đốm trên bề mặt hơn so với thanh long ruột trắng, cần để máy chạy chậm lại để rửa kỹ hơn. Với công suất 5-7 tấn/giờ, vào những ngày cao điểm của mùa vụ thanh long, mỗi chiếc máy rửa và thổi khô của anh Cường có thể xử lý 50-70 tấn thanh long nếu làm việc trong 10 tiếng đồng hồ, mỗi tháng rửa khoảng 2.000 tấn.

Vận hành thực tế Thiết bị rửa và xử lý trái thanh long sau thu hoạch đã được cải tiến

Máy rửa thanh long thiết kế tiêu chuẩn có chiều dài 15m, chiều ngang 0,8m. Tuy nhiên, tùy vào yêu cầu của khách hàng, anh Cường có thể điều chỉnh thiết kế để có kích thước và công suất phù hợp cho từng công ty.

Chưa dừng lại ở đây, kỹ sư Nguyễn Văn Cường hiện nay còn nghiên cứu và phát triển tiếp để lắp đặt thêm dây chuyền tự động trong khâu xử lý đóng gói trái thanh long tự động nhằm tiết kiệm nhân công lao động và góp phần vào việc nâng cao trình độ cũng như tay nghề của đội ngũ cơ khí của tỉnh./.

Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích