Tiếng Việt | English

17/02/2019 - 09:23

Cần Đước: Đổi thay từ những công trình Về nguồn

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An luôn chú trọng, quan tâm thực hiện tốt chương trình Về nguồn, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong việc chung tay giúp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ phát triển.

Qua 10 năm thực hiện hoạt động Về nguồn giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên

Qua 10 năm thực hiện hoạt động Về nguồn giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên

Những công trình hợp lòng dân

Hoạt động Về nguồn của huyện được gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng Cần Đước trở thành huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thực hiện tốt công tác Về nguồn, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp UBND huyện và các ngành tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn lực ủng hộ chương trình. Các địa phương vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động thực hiện các công trình. Bà Trương Kim Cúc, ngụ ấp 4, xã Long Sơn, cho biết: “Năm 2010, xã tổ chức Về nguồn, mọi hoạt động chúng tôi đều đồng tình, tích cực tham gia. Nhiều hộ nghèo của địa phương được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở. Xã còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Ai cũng vui mừng vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng kháng chiến cũ”. Còn ông Lê Văn Tập, ngụ ấp 4, xã Long Khê, xúc động: “Tuyến đường vào ấp trước đây rất nhỏ, hẹp, thông qua hoạt động Về nguồn, tuyến đường này được mở rộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuyến đường mới được đưa vào sử dụng, người dân nơi đây phấn khởi lắm!”.

Bí thư Đảng ủy xã Long Khê - Nguyễn Thanh Oai chia sẻ: “Năm 2018, Long Khê được chọn làm xã điểm Về nguồn của huyện. Qua 10 tháng vận động, Ban Tổ chức Về nguồn huy động sự đóng góp, ủng hộ kinh phí của người dân và doanh nghiệp với trên 20 tỉ đồng, thực hiện 13 công trình xây dựng cơ bản, phúc lợi xã hội, giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng,...; thăm, tặng quà 19 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho 150 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Địa phương xây dựng, sửa chữa 13 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương và nhà đồng đội, khám bệnh miễn phí cho 330 lượt người, tặng trên 1.500 phần quà cho hộ nghèo. Những hoạt động ý nghĩa trên không chỉ giúp nhiều hộ nghèo vươn lên, người dân có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mà còn thay đổi diện mạo địa phương”.

Đòn bẩy của sự phát triển

Từ năm 2009 đến nay, Cần Đước tranh thủ các nguồn lực với số tiền trên 317 tỉ đồng, xây dựng 176 công trình hạ tầng nông thôn. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được phát huy tối đa, ngoài các công trình do Nhà nước hỗ trợ, đầu tư, người dân địa phương đóng góp trên 69 tỉ đồng, hiến trên 278.000m2 đất, tích cực chung tay cùng chính quyền hoàn thành trên 400 công trình xây dựng cơ bản, phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương chung tay chăm lo gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng; các hoạt động xã hội giúp đỡ hộ nghèo, học sinh nghèo, trẻ em khuyết tật,... Hoạt động Về nguồn tạo đòn bẩy để địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường khẳng định: “Chủ trương về nguồn của Đảng được Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Đước biến thành chương trình hành động cách mạng vừa chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng thời gắn kết các chương trình, tạo động lực để xây dựng và phát triển địa phương. Đây là chủ trương hợp lòng dân, mang lại những bài học thiết thực về công tác vận động quần chúng của Đảng trong tình hình hiện nay”.

Diện mạo nông thôn Cần Đước ngày càng khởi sắc từ những công trình Về nguồn

Diện mạo nông thôn Cần Đước ngày càng khởi sắc từ những công trình Về nguồn

Ngoài những ngôi nhà, những phần quà cho học sinh nghèo hiếu học, hộ nghèo, những con đường giao thông tạo sự thuận tiện cho người dân địa phương, thông qua hoạt động Về nguồn, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân địa phương trực tiếp tham gia làm đường giao thông nông thôn, phát động trồng cây xanh và hoa trên các trục đường chính, đường liên xóm, ấp của xã; thăm hỏi, động viên, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, hộ gia đình chính sách neo đơn;... Qua đó, góp phần giáo dục về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng nhân ái cho thế hệ trẻ - những người tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước, tạo nên nhân cách sống và phong trào hành động cách mạng cho tuổi trẻ địa phương.

“Hoạt động Về nguồn góp phần cho các xã, thị trấn hoàn thành tiêu chí xây dựng văn hóa, xã nông thôn mới, từng bước nâng cao cuộc sống người dân. Hiện Cần Đước có 17/17 xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn văn hóa, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu trong năm 2019 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới” - Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết thêm./.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết