Những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao đời sống người dân huyện Cần Giuộc
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Tại xã Phước Hậu, một trong những xã trọng điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện, chúng tôi có thể cảm nhận rất rõ sự đổi thay nơi đây. Những con đường nhựa, bêtông được phủ kín toàn xã, đặc biệt là những vườn rau xanh ngát của người dân đang phát triển xanh tốt khi được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại thu nhập cao cho người dân. Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Đặng Phước Hảo, trước đây, việc canh tác rau màu của người dân chỉ tập trung theo cách truyền thống, bấp bênh, thu nhập không cao, nhưng từ khi thực hiện trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn xã đã hình thành 5 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác rau an toàn với năng lực tiêu thụ trung bình từ 5-7 tấn rau/ngày/hợp tác xã. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau, nhiều hộ còn đi đầu trong thực hiện. Đó phải kể đến hộ ông Nguyễn Hoàng Vũ với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, hộ ông Trần Tiết Giao tiên phong xây dựng nhà lưới khép kín trồng rau,… Đến nay, toàn xã có trên 305ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Qua đánh giá, việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã không chỉ giúp tăng năng suất từ 5-10%, giảm công lao động, tăng số vụ mà còn giúp người dân tăng lợi nhuận từ 2-7 triệu đồng/1.000m2 cũng như tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm truyền thống. Đây cũng là tiền đề để xã tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu - Đặng Phước Hảo cho biết thêm.
Nếu như xã Phước Hậu chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân để hoàn thành xã NTM nâng cao thì xã Phước Lại - một trong những địa phương đang nỗ lực về đích xã NTM lại đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong xây dựng NTM. Đây cũng là TC được xã Phước Lại thực hiện nổi bật nhất thời gian qua.
Theo Chủ tịch UBND xã Phước Lại - Nguyễn Thanh Khiết, với địa bàn rộng khi tiếp giáp 4 xã trong huyện và giáp ranh TP.HCM nên thời gian qua vẫn còn một số đối tượng ở các địa bàn lân cận đến gây mất an ninh, trật tự, một số tệ nạn xã hội như đá gà, cờ bạc, trộm đột nhập vẫn còn xảy ra và hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Trước tình hình đó, địa phương tích cực vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh tố giác tội phạm. Đặc biệt, người dân trong xã cùng mạnh thường quân đóng góp số tiền 140 triệu đồng lắp đặt 16 điểm camera giám sát an ninh, trật tự, giúp lực lượng công an điều tra, khám phá và xử lý nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Bộ mặt nông thôn mới của huyện có nhiều đổi thay vượt bậc
Bên cạnh đó, trong thực hiện TC số 19 về an ninh, trật tự, địa phương cũng xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình: Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự; Nhóm hộ tự quản về an ninh, trật tự; Khu dân cư phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự giảm mạnh, các mâu thuẫn phát sinh được giải quyết kịp thời, không để tích tụ gây mất đoàn kết trong nhân dân, giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để đóng góp công sức xây dựng NTM. “Đến nay, xã hoàn thành 17/19 TC, phấn đấu đến năm 2020 sẽ về đích xã NTM” - Chủ tịch UBND xã Phước Lại - Nguyễn Thanh Khiết cho biết.
Nhân dân là chủ thể
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh, qua 10 năm thực hiện, phong trào xây dựng NTM của huyện đạt nhiều thành tựu nổi bật và là động lực quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện, bộ mặt NTM của huyện có nhiều thay đổi rõ rệt. Đó phải kể đến hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện với các trục đường liên xã, liên ấp được nâng cấp, cải tạo, nhựa hóa, bêtông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống thủy lợi, điện, nước sạch, trường học cùng các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn. Có được nền tảng tương đối vững chắc, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lựa chọn huyện Cần Giuộc là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Những kết quả đó đã đưa huyện Cần Giuộc trở thành một trong những địa phương có nhiều xã về đích NTM trong toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới
Tuy nhiên, ít ai biết được, cách đây 10 năm, đa số các địa phương trong huyện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm năm 2011, số TC NTM trung bình của huyện chỉ đạt 6,4 TC, trong đó có xã chỉ đạt 5 TC, nhưng qua 10 năm, số TC của huyện được nâng lên 17,5 TC, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, những kết quả đã đạt trong 10 năm xây dựng NTM tại huyện chính là kết quả của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng, thống nhất của nhân dân trong huyện. Trong đó, nhân dân có yếu tố quyết định đến thành công của chương trình. “Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện quán triệt đến tất cả địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư theo tinh thần nhân dân phải làm chủ, huy động nội lực là chính, khi người dân hiểu, đồng thuận thì việc xây dựng NTM mới thành công.
Từ tuyên truyền và sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM đã thay đổi, người dân hiểu và luôn đồng hành cùng Nhà nước thực hiện các công trình, tiêu chí để xây dựng NTM. Đặc biệt, trong huy động nguồn lực, huyện luôn xác định việc huy động phải theo phương châm: “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng và sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”. Huy động được nguồn lực đã khó nhưng việc sử dụng nguồn lực cũng quan trọng không kém. Cũng chính vì vậy, tại mỗi địa phương, trước khi triển khai thực hiện các công trình công cộng đều phải đưa ra nhân dân bàn bạc dân chủ, thống nhất, có sự giám sát cộng đồng và bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân” - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.
Từ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong số hơn 2.200 tỉ đồng kinh phí huy động xây dựng NTM toàn huyện trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay thì có đến hơn 385 tỉ đồng được nhân dân đóng góp, trong đó, người dân tự nguyện hiến đất phục vụ các công trình công cộng hơn 44ha, góp phần làm nên thành công của huyện trong xây dựng NTM. “Có thể khẳng định đến nay, cụm từ xây dựng NTM đã trở nên thân thuộc và trở thành phong trào thi đua của nhân dân các xã trong huyện” - Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định./.
Thụy Anh