Tiếng Việt | English

09/05/2025 - 14:38

Cân nhắc đưa mặt hàng xăng vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt  

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 09/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự án luật trình tại kỳ họp này có 4 chương, 11 điều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cân nhắc đối tượng chịu thuế là “nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml”

Góp ý đối tượng chịu thuế trong dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đề nghị Quốc hội cân nhắc đối tượng chịu thuế là “nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml” với các cơ sở khoa học chưa thuyết phục, không công bằng với các sản phẩm có đường khác như nước uống khác có đường cũng như bánh kẹo như phân tích của các (đại biểu Quốc hội) ĐBQH đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 và của cử tri đóng góp trong thời gian qua.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu đóng góp dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Đối với máy điều hòa nhiệt độ công suất trên 90.000 BTU, đại biểu Dung đề nghị miễn hoặc giảm thuế với điều hòa tiết kiệm năng lượng (có chứng nhận nhãn năng lượng); máy điều hòa inverter (máy này sử dụng công nghệ biến tần được ứng dụng để kiểm soát công suất của thiết bị nhằm tránh hao phí năng lượng (có thể từ 30 - 70% so với máy lạnh thông thường) để khuyến khích sử dụng thiết bị hiệu quả, giảm tác động đến môi trường.

Về đối tượng chịu thuế là kinh doanh gôn bao gồm kinh doanh sân tập gôn, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị có xác định quy mô, cách thức của kinh doanh sân tập gôn chịu thuế, vì thực tế hiện nay có nhiều hình thức tập gôn cũng như sân tập gôn như các môn thể dục - thể thao khác. Và giá tính thuế cũng chưa minh bạch, rõ ràng, điều này dễ phát sinh vướng mắc và tranh cãi trong triển khai áp dụng.

Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp hoàn thuế cho dự án đầu tư lớn sử dụng hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vào hoạt động sản xuất – ví dụ máy móc, thiết bị thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng được sử dụng trong nhà máy sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Việc hoàn thuế trong các trường hợp này sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư sản xuất trong nước, phù hợp định hướng phát triển công nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Xăng không phải là hàng hóa xa xỉ mà là nhiên liệu thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh

Cùng tham gia đóng góp đối với đối tượng chịu thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng có thể đi ngược lại với nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế.

Hiện nay, giá xăng tại Việt Nam đã bao gồm nhiều loại thuế và phí như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường. Việc tiếp tục áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", gây bức xúc cho người dân.

Trong khi đó, người thu nhập cao có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng xe điện hoặc phương tiện công nghệ mới, còn người thu nhập thấp không có khả năng lựa chọn khác ngoài xe máy, xe xăng phổ thông. Như vậy, gánh nặng thuế sẽ đè nặng lên nhóm yếu thế, đi ngược lại với nguyên tắc công bằng thuế.

Bên cạnh đó, xăng cũng không phải là hàng hóa xa xỉ nữa mà là nhiên liệu thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện sử dụng xăng cho việc đi học, đi làm, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa,… Vì vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng theo tôi là chưa hợp lý về bản chất và dẫn đến sự tác động tiêu cực đến hàng triệu người dân.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, đề nghị Quốc hội cân nhắc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng

Về đối tượng chịu thuế đó là mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml theo Tiêu chuẩn Việt Nam, đại biểu Lê Thị Song An cũng cho rằng hiệu quả thực tế của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng hiện chưa được chứng minh một cách toàn diện. Cần có sự đánh giá toàn diện tác động của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bao gồm cả yếu tố y tế, kinh tế và công bằng xã hội và xem xét áp dụng lộ trình phù hợp để tạo thời gian cho doanh nghiệp và người dân thích nghi. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế điều tiết theo hướng khuyến khích cải tiến sản phẩm như sử dụng nguyên liệu có hàm lượng đường thấp hoặc áp dụng công nghệ giảm ngọt, thay vì chỉ tập trung vào biện pháp thuế.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, thống nhất cao với dự án luật.

Đại biểu cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không phải là mục tiêu nhằm gây khó khăn cho ngành sản xuất, mà là một chiến lược toàn diện để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng cường trách nhiệm xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Đại biểu cho rằng việc triển khai này là phù hợp, đủ thời gian để doanh nghiệp và người dân thích nghi; đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả chính sách.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh Long An, cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe nhân dân

Lý do đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên nêu ra là hiện nay Việt Nam có số lượng lớn người hút thuốc, gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ,... Tình trạng này tạo áp lực lớn cho ngành Y tế, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giống nòi, thể trạng người Việt Nam trong tương lai.

Để kiểm soát tốt việc quản lý mục tiêu giảm tác hại của thuốc lá trong nhân dân, thuế thuốc lá là biện pháp nhanh, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng, qua đó góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong sớm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với chiến lược quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế khẳng định tăng thuế là yếu tố then chốt trong kiểm soát thuốc lá./.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết