Quang cảnh thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Trước hết, về quy định đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội: Dự thảo Luật quy định 10 biện pháp ngăn chặn gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt người theo các trường hợp quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự; tạm giữ, tạm giam; giám sát điện tử; giám sát tại nhà; bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm; cấm đi khỏi nơi cư trú; tạm hoãn xuất cảnh. Quy định 3 biện pháp cưỡng chế gồm áp giải, dẫn giải; kê biên tài sản; phong tỏa tài khoản.
Theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã bổ sung thêm 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà và thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam, người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả. Việc đổi mới chế định ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên bị buộc tội như trong dự thảo Luật là phù hợp vì như vậy sẽ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành vẫn còn thiếu sự thân thiện. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên, tác động không nhỏ đến khả năng tham gia tố tụng của họ. Việc thu hẹp các trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giam sẽ giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng, tác hại tiêu cực của các biện pháp giam giữ đối với người chưa thành niên.
Đại biểu Dung nêu: Hiện nay, trong hoạt động tư pháp các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều giải pháp mới về ứng dụng khoa học và công nghệ trong giải quyết các vụ án. Việc dự thảo Luật bổ sung biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ. Đối với giám sát điện tử, giám sát tại nhà sẽ bảo đảm các em không bị tách khỏi ra gia đình, các hoạt động tại cộng đồng cơ bản vẫn được thực hiện; đồng thời, góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần có đánh giá, làm rõ hơn tính khả thi, nguồn lực (nhân lực, kinh phí trang bị,...) thực hiện các biện pháp: Cấm tiếp xúc, hạn chế khung giờ đi lại; quản thúc tại gia đình, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội. Vì theo đại biểu, các cơ quan không thể cử người giám sát thi hành hoặc trong trường hợp gia đình không phối hợp hoặc không có khả năng phối hợp, mà phải là lắp đặt các thiết bị giám sát để theo dõi trong suốt thời gian thực hiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị dự luật cần quy định rõ những trường hợp áp dụng xử lý chuyển hướng vì người chưa thành niên tâm lý còn chưa vững vàng, cộng đồng có thể là nơi đông người, sẽ có sự dòm ngó, tò mò, kỳ thị, thậm chí bị quay clip, chụp ảnh tung lên mạng xã hội mà chúng ta không thể kiểm soát, ngăn cấm việc này, khi đó, còn gây ảnh hưởng nặng nề tâm lý của các em (xấu hổ, tủi hờn, bức xúc,...) thậm chí không có hiệu quả răn đe, không làm cho các em hối cải, mà còn gây nên những hệ quả ngược lại.
Đồng thời, đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung thêm quy định về bảo đảm quyền học tập của các em, vì đa số người chưa thành niên đang là học sinh phổ thông, khi các em vi phạm pháp luật, được áp dụng xử lý chuyển hướng nếu biện pháp xử lý chuyển hướng được áp dụng mà các em có đủ điều kiện theo học tập bình thường (như biện pháp: Khiển trách và Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Xin lỗi người bị hại và Bồi thường thiệt hại;…) thì vẫn tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập bình thường; đây cũng chính là mục tiêu mà chúng ta xây dựng luật này.
Trong dự thảo Luật, tại khoản 3, Điều 20 về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng có quy định “Tạo điều kiện tối đa để người chưa thành niên được học tập theo nguyện vọng và quy định của pháp luật”, nhưng đây là chính sách sau khi các em đã chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận
Thứ hai, quy định về “Người làm công tác xã hội” tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên, với mục tiêu hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đề nghị dự luật cần quy định rõ ràng hơn và cơ sở đảm bảo cho vai trò, vị trí, quyền và trách nhiệm của người làm công tác xã hội tham gia vào quá trình tố tụng và chấp hành các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên như sau:
(1) Tại Điều 4: Khoản 11 dự thảo Luật đã quy định “Người làm công tác xã hội gồm: Nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hóa - xã hội cấp xã ”. Như vậy, trừ công chức văn hóa - xã hội cấp xã thì họ không phải là công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, vậy họ là ai, do ai là người công nhận (dự thảo chỉ quy định được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia), từ đó cơ sở để xác định chính sách chế độ cho họ không rõ ràng. Trong khi, trách nhiệm của họ rất nặng nề, quan trọng (như tại Điều 4, Điều 53, 54, Điều 170).
(2) Tại Khoản 12: Báo cáo điều tra xã hội là báo cáo do người làm công tác xã hội xây dựng để cung cấp thông tin về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, tình hình học tập, tình trạng sức khỏe, tâm lý và thông tin khác có liên quan ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
(3) Tại khoản 13: Kế hoạch xử lý chuyển hướng là kế hoạch áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, tổ chức hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng do người làm công tác xã hội xây dựng.
Bên cạnh đó, tại Điều 55 quy định về xây dựng báo cáo điều tra xã hội: Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Cơ quan điều tra, người làm công tác xã hội phải hoàn thành báo cáo điều tra xã hội và gửi cho cơ quan có yêu cầu. Báo cáo điều tra xã hội bao gồm 9 nội dung chính, trong đó có các nội dung: Hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, mức độ trưởng thành, tình trạng sức khỏe, tình hình học tập, trình độ học vấn, các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên, đề xuất áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Và tại Điều 170, quy định Trách nhiệm của người làm công tác xã hội: (i) Trợ giúp về tâm lý cho người chưa thành niên, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, gồm tư vấn về tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe, phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác; tư vấn để xóa bỏ mặc cảm, tự ti, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. (ii) Đề xuất các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp với người chưa thành niên trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. (iii) Hướng dẫn người chưa thành niên trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình hướng dẫn họ.
Trong khi đó, tại Điều 54 dự thảo luật quy định: Ngay sau khi khởi tố bị can là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng phải đề nghị nhân viên công tác xã hội tham gia tố tụng,... Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng, người làm công tác xã hội phải trả lời bằng văn bản về việc tham gia tố tụng. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người làm công tác xã hội, cơ quan tiến hành tố tụng phải có văn bản thông báo về việc tham gia tố tụng cho người làm công tác xã hội.
Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, quy định của dự thảo luật chưa rõ tư cách tố tụng của người làm công tác xã hội trong vụ án (ở đây không phải là người đại diện; người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của người chửa thành niên, người trợ giúp pháp lý,…). Từ đó, dẫn đến chưa quy định cụ thể rõ ràng về chế độ đãi ngộ, nguồn lực chi trả cho đội ngũ này khi thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu đề nghị, không quy định Công chức Tư pháp - Hộ tịch là một trong những người được lựa chọn để trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên, như quy định tại khoản 2 Điều 76 “Công an cấp xã tham mưu, lập danh sách báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng” và trách nhiệm của người này quy định ở Điều 77, bởi vì thực tiễn Công chức Tư pháp - Hộ tịch không thể đảm bảo nguồn lực, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức cấp xã đã và đang rất áp lực, chật vật trong tham mưu công tác chuyên môn lĩnh vực tư pháp - có nhiều đầu việc (và rất nhiều nhiệm vụ phối hợp thực hiện các lĩnh vực chuyên môn khác) trong khi đó hiện nay biên chế được phân bổ trung bình ở các địa phương là phường, xã loại 1 được bố trí 2 công chức, xã loại 2, 3 bố trí có 1 nên anh em rất vất vả phải liên tục làm cả ngoài giờ, ngày nghỉ mới đảm bảo giải quyết hết công việc chuyên môn, thậm chí không dám nghỉ phép, không thể đi học, đi đào tạo, bồi dưỡng vì vắng một ngày thì không ai làm thay các công việc của mình (có những loại việc mà chức danh tư pháp - hộ tịch phải được xác định vào trong một số giấy tờ hộ tịch).
Thứ ba, về điều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng, dự thảo luật quy định: “Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 37 của Luật này có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi có đủ các điều kiện sau đây: 1.Có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội; 2. Người chưa thành niên thừa nhận mình có tội; 3. Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng.
Đại biểu đề nghị, cân nhắc điều kiện “Người chưa thành niên thừa nhận mình có tội” vì không thể hiện nguyên tắc điều tra chính xác khách quan, đúng quy định pháp luật, chứng minh phạm tội, nhằm tránh gây áp lực với người chưa thành niên để được áp dụng xử lý chuyển hướng mà nhận tội.
Thứ tư, về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 53 dự thảo luật, đại biểu chọn phương án 1 với lý do: Nguyên tắc, quan điểm của xử lý chuyển hướng được thực hiện khi có đủ đều kiện áp dụng xử lý chuyển hướng ngay trong giai đoạn phát hiện, điều tra, truy tố, đến xét xử theo một quy trình tố tụng thân thiện và phù hợp hơn.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên có 173 Điều quy định cụ thể về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo luật này được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này và sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 được tổ chức vào cuối năm 2024./.
Kiến Quốc