Tiếng Việt | English

28/05/2024 - 16:10

Thống nhất quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa phải được sự đồng ý của chủ tọa  

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 28/5, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật.
Tham gia góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp Long An thống nhất với quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa (khoản 3 Điều 141).

Quang cảnh chung tại Hội trường

Theo đại biểu, quy định như thế nhằm để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định tại Điều 3 Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình,... Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh,...thậm chí có những thông tin nhạy cảm khi xét xử mới cung cấp mà chưa được kiểm chứng.

Các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định; bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm, chi phối bởi các yếu tố khác. Đồng thời, việc quy định như trên không hẹp hơn so với Luật Báo chí. Luật Báo chí quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng đã bổ sung khoản 4 Điều 141 với nội dung “Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật”, quy định này vừa bảo đảm cho phiên tòa được tiến hành đúng pháp luật, chất lượng, trang nghiêm, vừa bảo đảm tính khả thi và có cơ sở, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi cần thiết, Viện kiểm sát có giám sát hay cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cần kiểm tra thông tin thì dữ liệu đó có từ kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp góp ý Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sáng ngày 28/5

Về thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý Điều 15 là phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta cũng như đã thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022. Theo đó, đã quy định nhiệm vụ của Tòa án “Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp; Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp; Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu chứng cứ bằng việc yêu cầu quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp”.

Việc điều chỉnh trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án theo hướng như quy định tại Điều 15 dự thảo Luật sẽ bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng nguyên tắc xét xử độc lập, nguyên tắc vô tư, khách quan trong hoạt động tố tụng, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, đảm bảo phù hợp, thực thi về nhiệm vụ của Tòa án và trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác.

Việc Tòa án tiến hành xem xét, kiểm tra thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ làm cơ sở để ra phán quyết được đúng đắn. Tuy nhiên, để bảo đảm đầy đủ, toàn diện, đại biểu đề nghị bổ sung và sửa khoản 7 Điều 15 như sau: “Tòa án căn cứ vào tài liệu chứng cứ mà tòa án đã hỗ trợ thu thập hoặc đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, giao nộp làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.

Bên cạnh đó, về tiêu chuẩn Hội thẩm (tại điểm e khoản 1 Điều 122), đại biểu đề nghị, xác định rõ ràng về tiêu chuẩn “Không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên; không bị áp dụng biện pháp hành chính”. Đại biểu đề nghị, bổ sung quy định tại điểm này như sau: “Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên; không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp hành chính”, vì theo đại biểu, đây cũng là quy định trong việc bổ nhiệm, quy hoạch trong công tác cán bộ hiện nay.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)./.

ND

Chia sẻ bài viết