Luận điệu và thủ đoạn chống phá
Gần đây, trên các trang web phản động, nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội (MXH), các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tập trung tuyên truyền, rêu rao cái gọi là “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “quyền lực nhà nước ở một quốc gia không được đàn áp nhân quyền”. Họ lập luận một cách phi lý rằng, vấn đề quyền con người không thuộc công việc nội bộ của một nước. Thậm chí, núp bóng các tổ chức nhân quyền như HRW, WOAT, HRF, HURIDOCS,..., chúng quy chụp rằng “việc Việt Nam nhấn mạnh chủ quyền quốc gia cao hơn tất cả là lấy danh nghĩa duy trì chủ quyền quốc gia để duy trì quyền lực thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Để minh chứng cho luận điệu trên, chúng viện dẫn báo cáo về an ninh con người của một sổ tổ chức quốc tế như báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), hoặc lập luận rằng bảo đảm an ninh của mỗi cá nhân là quan trọng hơn an ninh quốc gia.
Chúng tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành nghị quyết, báo cáo,... vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đòi gắn viện trợ nhân đạo song phương, đa phương với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí, ngôn luận,... Chúng kêu gọi sự hậu thuẫn của các tổ chức phi chính phủ thông qua việc triển khai các dự án “thúc đẩy, cải thiện nhân quyền”, khích lệ bọn phản động người Việt lưu vong, một số đối tượng hoạt động chống phá Việt Nam. Nhiều cơ quan, tổ chức như Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ, Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AL),... trong báo cáo hàng năm, một mặt thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Để phục vụ hoạt động chống phá, các thế lực thù địch lôi kéo và dựng lên các nhân vật có tư tưởng bất mãn hoặc tham lam lợi ích vật chất rồi trao các giải thưởng tự xưng như Giải thưởng nhân quyền, Tầm ảnh hưởng, Homo Homini,... Từ đó, chúng vận động một số nghị sĩ cực đoan trong Quốc hội, Chính phủ một số nước kêu gọi gây quỹ đấu tranh vì nhân quyền. Để hợp thức hóa sự ủng hộ tài chính, kinh phí của các nhà tài trợ, chúng đưa ra các bản “báo cáo”, “phúc trình”,... bôi nhọ tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng lợi dụng triệt để sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng và vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng, phá hoại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, với mục đích chính là khiến các quốc gia, tổ chức quốc tế hiểu sai về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam dẫn đến thận trọng hoặc từ chối các quan hệ hợp tác, đầu tư và dần dần cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Về lâu dài, KT-XH phát triển chậm sẽ gây nghi ngờ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ đó, chúng hướng tư tưởng và dư luận xã hội trái chiều đòi xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng nhằm tác động chuyển hóa nội bộ, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ ở Việt Nam.
Nhận điện và đấu tranh
Phải khẳng định rằng, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là hoàn toàn sai trái, phi lý và phản khoa học. Về thực chất, quan điểm này đã đối lập quyền con người với chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Như chúng ta đã biết, quyền con người không bao giờ tách khỏi điều kiện, trình độ phát triển và chủ quyền của từng quốc gia, dân tộc. Việc sử dụng chiêu bài “nhân quyền cao hơn chủ quyền” thực chất là cách để các thế lực thù địch triển khai chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam. Lợi dụng sự phát triển của Internet, các thế lực thù địch ra rả tuyên truyền quan điểm nói trên nhằm lôi kéo một số người nhận thức kém hoặc các phần tử bất mãn để gia tăng sự chống phá, công kích. Đặc biệt, chúng triệt để chia sẻ trên nhiều hội, nhóm để tác động đến tư tưởng của một bộ phận người dân, nhất là nhóm đối tượng có xu hướng hưởng thụ, đề cao cái tôi cá nhân. Về lâu dài, sau khi hình thành được “nhánh” tư tưởng như trên, chúng sẽ móc nối với nhiều nước để lợi dụng chiêu bài nhân quyền nhằm can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền nước ta.
Trên thực tế, việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia là một tiêu chuẩn đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng là là cơ sở và tiền đề để thực hiện quyền con người. Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24-10-1970 đã đưa ra tuyên bố về những nguyên tắc của Luật Quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị, hợp tác của các quốc gia phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc, trong đó, khẳng định nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề thuộc thẩm quyền của các quốc gia khác. Vì vậy, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia được áp dụng trong tất cả lĩnh vực quan hệ quốc tế, bao gồm lĩnh vực quyền con người. Quyền con người không thể tách rời chủ quyền quốc gia. Quyền con người của cá nhân và chủ quyền quốc gia có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau, không có chủ quyền quốc gia thì không thể nói đến quyền con người, mất đi chủ quyền cũng có nghĩa là mất đi sự bảo đảm đối với quyền con người. Vì vậy, quan điểm cho rằng “nhân quyền cao hơn chủ quyền” là trực tiếp vi phạm tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hơn nữa, việc thực hiện quyền con người cần phải dựa vào chủ quyền, do các nước thông qua pháp luật, biện pháp và cơ chế của Nhà nước ở từng quốc gia, dân tộc để thực hiện. Các điều quy ước quốc tế về quyền con người đã quy định quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Để thực hiện tốt các quyền này, phải thông qua pháp luật quốc gia cũng như cơ chế bảo đảm của pháp luật quốc gia. Tuy quyền con người mang tính toàn cầu nhưng về bản chất là vấn đề thuộc công việc nội bộ của từng quốc gia. Vì vậy, các nước có quyền căn cứ vào tình hình thực tế của nước mình để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Quyền con người ở mỗi quốc gia còn phụ thuộc vào văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc, cộng đồng. Với một số nước phương Tây, việc phụ nữ mang mạng che mặt ra đường là mất nhân quyền nhưng với các nước Hồi giáo, đó là văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Hoặc như nhiều nước phát triển cho rằng, việc đeo khẩu trang là mất quyền con người nhưng để chống dịch, người dân vẫn phải tuân thủ quy định của mỗi quốc gia,...
Trong Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, chủ quyền quốc gia nằm ở vị trí ưu tiên; quyền con người của cá nhân chịu sự quy định, chi phối và chế ước quy định của pháp luật. Mỗi quốc gia đều có quyền từ chối tham gia các điều ước quốc tế không phù hợp với chế độ chính trị cũng như không phù hợp với trình độ phát triển về KT-XH của nước mình. Cho nên, nước Mỹ mới chỉ phê chuẩn 4/28 điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó, có Công ước lao động cưỡng bức năm 1930. Lý do được Mỹ đưa ra là Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị xung đột với pháp luật của nước này và bởi “chủ quyền quốc gia của nước Mỹ cao hơn tất cả”. Điều đó cho thấy, so với chủ quyền quốc gia, quyền con người chỉ ở vị trí phụ thuộc.
Trên thực tế, nhân danh “dân chủ, nhân quyền”, trong những thập niên qua, một số quốc gia sử dụng vũ lực can thiệp vào công việc nội bộ, thay đổi chế độ chính trị ở một số nước. Tuy nhiên, thực tế ở các nước sau khi bị nước lớn “can dự” cho thấy, cái mang lại cho các quốc gia này không hề là “dân chủ, nhân quyền” mà là sự xung đột và hỗn loạn. Từ những đất nước bình yên đã lâm vào tình cảnh bất ổn, nội chiến, mất quyền con người vì chiêu bài nhân quyền của nước lớn.
Rõ ràng, quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” không hề có giá trị đối với việc thúc đẩy quyền con người, mà trái lại, khiến khả năng xâm hại quyền con người một cách nghiêm trọng hơn. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là lớp trẻ cần cảnh giác với các bài viết, hình ảnh, video đang phát tán trên mạng về nội dung trên./.
Huyền Linh