Cha mẹ đồng hành cùng trẻ khi vào lớp 1 để trẻ không cảm thấy bỡ ngỡ, lạc lõng
Chuẩn bị tâm thế, giúp trẻ làm quen với môi trường mới là một trong những việc đầu tiên cha mẹ nên làm, do bước chuyển từ mầm non lên tiểu học sẽ khiến trẻ có nhiều bỡ ngỡ, chưa kịp thích ứng.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, cha mẹ nên đưa trẻ đến trường tiểu học, làm quen với bàn ghế, phấn, bảng, các thầy, cô giáo,... và hướng dẫn một số nguyên tắc ở trường học.
Ví dụ, trẻ vào lớp phải xếp hàng, ở lớp phải ngồi một chỗ, không được chạy đi chạy lại,... Đồng thời, kể cho trẻ nghe những câu chuyện về tuổi học trò, về ngày đầu chập chững đến trường. Trẻ sẽ cảm thấy tò mò, hứng thú và đặt ra nhiều câu hỏi, mong muốn được cha mẹ giải đáp. Từ đó, trẻ hiểu được đến trường đồng nghĩa vừa được học, vừa được vui chơi, trải nghiệm nhiều điều mới lạ.
Ngoài tâm lý, cha mẹ còn cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, sách, vở, quần áo cho trẻ. Cha mẹ cần lên danh sách những dụng cụ cần mua và dẫn trẻ đến cửa hàng, nhà sách lựa chọn món đồ yêu thích.
Về đồng phục, tùy theo quy định của nhà trường mà cha mẹ đưa ra quyết định phù hợp nhưng cần bảo đảm ít nhất 2 bộ để trẻ dễ thay đổi.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng đưa ra lời khuyên: “Về đồ dùng học tập, cha mẹ có thể tham khảo lời khuyên của giáo viên để biết phải mua gì cho con và sử dụng như thế nào, tránh mua quá nhiều mà không dùng hết”.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho con vào lớp 1, anh Phạm Đức Cảnh (phường 6, TP.Tân An) nói: “Để con làm quen với việc học, tôi cùng con tập viết chữ, làm toán cơ bản và đọc những câu chuyện đơn giản. Ngoài ra, tôi dạy con một số kỹ năng sống như tự lập, gọn gàng và lễ phép để bé dễ dàng hòa nhập với môi trường học tập mới”.
Rèn luyện thể chất, hình thành những thói quen tốt khi trẻ vào lớp 1 là “khoản đầu tư thông minh” cho tương lai. Những hoạt động vận động không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch mà còn cải thiện khả năng tập trung, ghi nhớ.
Khi cơ thể được vận động đều đặn, não bộ sẽ được cung cấp đủ oxy, giúp trẻ tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Bên cạnh đó còn rèn luyện cho trẻ tính kiên trì, sự tự tin và khả năng làm việc nhóm - những tố chất vô cùng quan trọng trong quá trình học tập.
Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần Long An - Trần Văn Phương cho biết: “Cha mẹ nên cho con theo học các lớp năng khiếu như vẽ, múa, hát,... và các lớp kỹ năng quan trọng như bơi lội để con dạn dĩ, thích ứng nhanh với môi trường mới. Trong suốt quá trình này, cha mẹ cần quan sát, theo dõi, phát hiện con thích học gì và không thích học gì để điều chỉnh kịp thời. Cuối tuần, cha mẹ dành thời gian cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời như picnic, chơi thể thao, đạp xe,...”.
Ngoài ra, cha mẹ cũng quan tâm xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ 6 chất dinh dưỡng thiết yếu (vitamin, khoáng chất, protein, chất béo, nước và carbohydrate), khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây,... để tăng cường đề kháng, vui khỏe đến trường.
Bên cạnh những việc nên làm, cha mẹ cũng tránh tạo áp lực, la mắng khiến trẻ lo lắng, hoang mang. Khác với người lớn, trẻ thường bộc lộ cảm xúc qua các hành động khóc lớn, làm nũng, quấy,...
Cha mẹ hãy thật kiên nhẫn, đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này. Cha mẹ cũng hạn chế một mình chuẩn bị sách, vở cho trẻ, giúp trẻ ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm tránh tình trạng ỷ lại, khó thích nghi,... Thay vì làm hộ, hãy cùng thực hiện và hướng dẫn trẻ cách làm đúng để trẻ tự lập hơn.
Trẻ vào lớp 1 sẽ có nhiều bỡ ngỡ, cha mẹ cần bên cạnh lắng nghe, chia sẻ, giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn. Với sự quan tâm và hỗ trợ đúng đắn, trẻ sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới và đạt thành tích tốt trong học tập./.
Tuệ Ngân