Tiếng Việt | English

12/10/2016 - 15:14

Chất Sài Gòn trong “Sài Gòn, anh yêu em”

Bộ phim “Sài Gòn, anh yêu em” vừa ra mắt chưa đầy một tuần nhưng thu hút được sự quan tâm từ đông đảo khán giả - những người đã, đang và sẽ có cảm tình với mảnh đất Sài Gòn.

Cũng như nhiều phim khác của điện ảnh Việt những năm trở lại đây, khán giả khó lòng đòi hỏi ở “Sài Gòn, anh yêu em” một sự hoàn hảo về chất nghệ thuật.

Ngoài những góc quay hài hòa trong từng khuôn hình bởi những pha xử lý hình ảnh toàn, trung, cận đẹp đến nao lòng, gợi nhớ, gợi thương về một Sài Gòn thường nhật vừa tất bật rộn rã, vừa chất phác yên bình, bộ phim dường như còn vướng nhiều hạt sạn ở hầu khắp các yếu tố.

Với lối kể đa tuyến, không có gì mới mẻ, bộ phim chỉ là những lát cảnh về muôn mặt Sài Gòn thông qua 5 cặp nhân vật không chính cũng không phụ.

Xem nghệ thuật cải lương như chính hơi thở của cuộc sống - thứ mà nếu mất đi, con người cũng hoàn toàn rơi vào tình trạng của sự vong thân, hai nhân vật bác Sáu, dì Ba xuất hiện chủ yếu trong 2 không gian chính là sân khấu lung linh ánh đèn đầy mê đắm và nơi cánh gà cuộc đời thấm đẫm nhiều nước mắt nhân sinh.

Chỉ có cặp nhân vật tri kỷ bác Sáu và dì Ba là sở hữu đường dây tâm lý nhân vật khá hợp lý. 4 cặp nhân vật còn lại thì cứ như thể bỏ quên, bỏ rơi đâu đó mất một vài nhịp. Hay đây là “chất Sài Gòn”? Giữa thành phố hơn 10 triệu dân, một chút ngẩn ngơ với làn mưa chiều vội vã đường xe, lạc nhau là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Trong cơn bối rối nhằm chiều lòng thị hiếu đương trong tình trạng say sưa ngôn tình của phần đông giới trẻ hiện nay, bộ phim xây dựng hình tượng “soái ca” Việt Phương với một tình yêu được lý tưởng hóa quá mức. Còn cô gái mà anh cam tâm tận hiến trái tim chân thành - Thiên Kim thì mất hẳn những lý giải cho mạch tâm lý.

Khán giả chỉ có thể gượng ép nhét vào đáp án của mình về một mẫu hình phụ nữ trẻ tuổi luôn mải mê công việc mà quên đi những tình cảm thật sự quanh mình. Nếu khán giả khá hài lòng với cuộc tình lãng mạn như mơ của Việt Phương và Thiên Kim thì họ lại phải “gào thét” trong tâm trí bởi mối tình đồng tính của hai chàng trai trẻ Đức và Khánh mới chỉ dừng lại ở mức độ say nắng tuổi học trò.

Cách nhìn cởi mở và hồn hậu đượm chất Sài Gòn ấy hiện lên đậm nét hơn ở nhân vật Mỹ Tuyền - người đã cho phép và trân trọng đứa con trai bất đắc dĩ mang cái tên đằm thắm: Mỹ Mỹ. Mặc dù có nhiều câu thoại khuôn sáo hơi lố nhưng tình mẫu tử của cặp nhân vật này chiếm được cảm tình của khán giả bởi những pha hài duyên dáng.

Dù sao thì bộ phim cũng là một nỗ lực lớn của nhà sản xuất khi chứa đựng trong nó một thông điệp về tình yêu Sài Gòn. Thế nên, như những khán giả trẻ thường hay nói đùa “đừng quá khen chê, cái đẹp sẽ xóa nhòa tất cả”, vẻ đẹp chân tình trong ý tưởng của bộ phim sẽ là lý do để mọi người đến rạp và thưởng thức “Sài Gòn, anh yêu em”./.

Xuân Tiến

Chia sẻ bài viết