Tiếng Việt | English

17/03/2022 - 03:20

Chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV: Thẳng thắn, không vòng vo, né tránh

Sau 1 ngày làm việc, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường tại phiên họp lần thứ 9, thành công tốt đẹp và bế mạc vào chiều 16/3.

Qua phiên chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV rất đúng và trúng, vừa có tính thời sự, cấp bách vừa mang tính quan trọng cơ bản và lâu dài.

Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc. Phiên chất vấn tạo được sự tương tác, đối thoại trực tiếp giữa người hỏi và người trả lời, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia phiên chất vấn đối với 2 bộ trưởng Bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường đã có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn, 35 đại biểu chất vấn lĩnh vực công thương và 45 đại biểu chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường; trong đó có 48 đại biểu trực tiếp tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề. 

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề hay một thực trạng cần được lưu ý giải quyết. Chất vấn cũng là cơ hội để các Bộ trưởng, các tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành để từ đó góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội trong thực hiện chính sách, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp nhân dân trong xã hội”.

Ông Vương Đình Huệ nhận định, các Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phục trách; thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ, xác đáng ý kiến của đại biểu Quốc hội. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo được sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan lưu ý quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là yêu cầu rất bức thiết đặt ra trong phiên chất vấn lần này; phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn bằng kịch bản cụ thể bởi cân đối năng lượng nhất là xăng dầu là vấn đề hệ trọng đối với quốc kế dân sinh, quốc phòng an ninh, ổn định xã hội nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên thế giới và nguồn cung trong nước gặp nhiều khó khăn.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, dự trữ quốc gia về xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống; thực hiện công khai minh bạch và có giải pháp tách bạch, rạch ròi giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Tiếp tục tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.

Về việc chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, ông Vương Đình Huệ cho rằng, cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong thương mại điện tử, cần nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử,...

Đối với việc tiêu thụ nông sản, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các nghị định thư với các đối tác lớn. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu. Vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ trong chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính.

Song song đó, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn và các văn bản pháp luật có liên quan. Có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ dân sự và quan hệ hành chính.

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan, chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3/2022./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích