Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu
Các nhóm vấn đề chính được chất vấn bao gồm tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi chất vấn, truy vấn tại nghị trường.
Ngoài ra, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; các giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản cũng được đưa ra chất vấn.
Trả lời các vấn đề liên quan đến giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho biết, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, tức là 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới. Giá xăng dầu thế giới đã tăng 40 - 46% so với 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%, thấp hơn so với thế giới.
So sánh như vậy để thấy rằng giá xăng dầu trong nước đã được điều hành linh hoạt và phù hợp, mức hỗ trợ hiện tại đang ở mức dao động từ 500 - 1500đ/lít xăng dầu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên, gần đây, khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành Công Thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, một phần bị gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt,…đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.
Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Công thương, dưới sự lãnh đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nỗ lực hết mình, chủ động, sáng tạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; cung ứng điện và hàng hóa thiết yếu khá đầy đủ, ổn định. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Với những nỗ lực nêu trên, Bộ trưởng cũng cho biết, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt gần 670 tỉ USD và đưa vào thực thi 3 Hiệp định thương mại tự do với EU, Vương quốc Anh và ERCCP, góp phần cùng cả nước vừa thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch có hiệu quả vừa phục hồi kinh tế - xã hội".
Tham gia giải trình trước Thường vụ Quốc hội cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương, theo Phó Thủ tướng - Lê Văn Thành, xăng dầu vẫn phụ thuộc nhập khẩu, khi nguồn sản xuất trong nước mới cung ứng được khoảng 70% nhu cầu. Sản xuất trong nước được khoảng 13 triệu m3, tấn, trong khi tổng nhu cầu cả nước khoảng 21 triệu m3, tấn và phần thiếu phải nhập khẩu. Ngoài ra, nguồn dầu thô cho 2 nhà máy lọc dầu hiện vẫn phải nhập khẩu. Giải pháp trước mắt, Chính phủ chỉ đạo tăng sản xuất trong nước, tăng nhập khẩu để đảm bảo đủ lượng cung hàng trong 2 - 3 tháng.
Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành trả lời chất vấn về giá xăng dầu. Ảnh: quochoi.vn
Đối với công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, Bộ Công Thương đã ban hành và tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra, kiểm tra đột xuất với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.
Đồng thời, Bộ phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn. Qua đó, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm giảm đáng kể so với trước đây.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc, trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh làm việc với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức trực tuyến và công thư để cùng tìm giải pháp, xử lý kịp thời.
Bộ Công Thương cũng thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban để phối hợp cho các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mở lại và duy trì thông quan các cửa khẩu,... Nhờ những biện pháp này, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước tháo gỡ, lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.
Chất vấn nhóm nội dung liên quan đến lĩnh vực công thương, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An – Lê Thị Song An đặt vấn đề: Hiện nay, vẫn còn tình trạng người nông dân sản xuất “được mùa thì mất giá”, đặc biệt là các mặt hàng lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An vào vụ có lúc 2.000 đồng/1kg thanh long ruột đỏ với lý do là không xuất khẩu được, điều này chưa tạo sự an tâm sản xuất cho nông dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết giải pháp căn cơ và hiệu quả để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: Nước ta đang hội nhập kinh tế tế giới, có quan hệ với hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhu cầu về trái cây nhiệt đới hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài và căn cơ, chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất và quy hoạch vùng trồng; tuân thủ các quy chuẩn, phẩm cách sản xuất. “Mặc dù không phải trách nhiệm của ngành, nhưng Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có giải pháp để xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân an tâm sản xuất” – ông Nguyễn Hồng Diên nói./.
Kỳ Nam