Tiếng Việt | English

13/06/2020 - 12:53

Chiếu trong văn hóa dân gian

Chiếc chiếu không những gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của con người mà còn nhẹ nhàng đi vào ca dao, tục ngữ. Ở đó, chiếc chiếu trở thành hình tượng nghệ thuật phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân trong cuộc sống.

Chiếc chiếu không chỉ là vật dụng trong gia đình mà còn mang bao tình cảm
Chiếc chiếu không chỉ là vật dụng trong gia đình mà còn mang bao tình cảm

Tới đây chiếu trải trầu mời
Can chi mà đứng giữa trời sương sa.

Câu này chỉ sự hiếu khách của người xưa. Theo cách bày biện đồ đạc trong nhà ngày trước thì phòng khách nhà quyền quý thường có bộ trường kỷ và sập gụ, còn nhà bình dân, ít nhất cũng có bộ ván. Khi có khách, gia chủ trải chiếu lên ván, lấy trầu ra mời để tỏ ý trọng vọng. Người Việt rất hiếu khách, dù bận bịu công việc thế nào đi nữa mà có khách đến nhà thì tỏ ý vui mừng, tiếp đãi trân trọng.

Sáng trăng trải chiếu đôi hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ.

Mô tả cảnh lứa đôi yên ấm, hạnh phúc của đôi vợ chồng học trò ngày xưa. Thời trước, học trò đang học mà có vợ là chuyện thường tình. Các cô gái xinh đẹp, giỏi giang mà cũng mơ lấy học trò vì dù có cực khổ trăm bề, lo lắng ngược xuôi nhưng bù lại, nếu có ngày chồng đỗ đạt thì sẽ được hưởng cảnh “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Lúc ấy thì tha hồ hãnh diện với xóm làng. Vì vậy, trong đêm trăng sáng, trên đôi chiếu, nàng vừa quay tơ, vừa nghe chồng đọc sách, bình văn thì thật là một cảnh thần tiên, hạnh phúc. Đặc biệt, hình tượng chiếc chiếu có mặt rất nhiều trong những câu ca dao nói về tình cảm yêu đương trai gái.

Một tấm vạt tre là nghĩa
Một chiếc chiếu là tình
Bấy lâu nay thương bóng nhớ hình
Bây giờ em hỏi thiệt anh có thương mình hay không?

Trong câu ca dao này, chiếc chiếu thành hình tượng ẩn dụ để cô gái bày tỏ tình cảm của mình với chàng trai.

Đêm năm canh, ngày sáu khắc rõ ràng
Đặt lưng xuống chiếu mơ màng nhớ anh.

Câu ca dao nói lên tình cảm thiết tha của người con gái khi yêu. Xa cách nhau ai lại không nhớ, không thương. Ngày nhớ, đêm mong, nhất là khi “đặt lưng xuống chiếu” thì nỗi nhớ lại càng da diết.

Đêm nằm mà gác tay qua
Giường không, chiếu lạnh, lụy sa hai hàng.

Phản ánh nỗi cô đơn, đau khổ của người vợ trẻ phải xa chồng, trong giấc cô miên, người con gái theo thói quen gác tay tìm hơi ấm của chồng nhưng chỉ gặp phải “giường không, chiếu lạnh”. Tình cảnh ấy khiến cho người ta phải ngậm ngùi.

Tình yêu có lý lẽ riêng của nó, không thể đem lý lẽ thông thường mà chú giải. Vì thế mới có tình trạng:

Chiếu hoa mà trải sập vàng
Điếu ngô, xe trúc sao chàng chẳng say
Những nơi chiếu cói võng đay
Điếu sành, xe sậy chàng say la đà.

Còn đây là phản ứng bộc trực của người con gái khi nghe người tình phụ bạc:

Em đang dệt chiếu hồi văn
Nghe anh lấy vợ, em quăng con chuồi.

Chiếc chiếu còn là hình tượng so sánh để phản ánh một thực trạng xã hội thời xưa:

Giường lèo mà trải chiếu mây
Làm trai hai vợ như dây buộc mình.

Giường lèo là loại giường có chạm trổ hoặc cẩn xà cừ, thường thấy ở những nhà giàu có. Chiếu mây là loại chiếu quý hiếm, đắt tiền, dệt bằng mây chẻ nhỏ. Câu ca dao này chỉ cảnh sống cao sang giàu có nhưng mất tự do của những người đèo bồng cuộc sống đa thê.
Hình tượng chiếc chiếu còn có mặt trong những câu ca dao nói về thế thái nhân tình hay châm biếm thói hư, tật xấu ở đời:

Màn treo chiếu rách cũng treo
Hương xông nghi ngút củi rền cũng xông.

Phần đông người thường có thói ưa bắt chước người khác, nhiều khi thành vô duyên, lố bịch, không biết ngượng. Người giàu sang, sung sướng sống trong gác tía lầu hồng nên treo màn trướng sang trọng, còn mình thân phận nghèo hèn, nhà tranh vách đất cũng đem chiếu rách ra treo. Người ta quần là, áo lượt, ngọc ngà trang điểm, mình nghèo cũng đi mượn quần, mượn áo về mặc, lượn tới, lượn lui. Người ta giỗ cha năm trâu, mười bò mục đích để khoe giàu, còn mình chạy ăn từng bữa, hôm giỗ cha cũng cố vay mượn để mời xóm, mời làng, để rồi phải bù đầu trả nợ cả năm. Sự bắt chước, đua đòi không phải lối ấy là tự làm khổ mình, đã không được ai khen, còn làm trò cười cho thiên hạ.

Màn hoa lại trải chiếu hoa
Bát ngọc lại phải đũa ngà, mâm son.

Xã hội phong kiến xưa có nhiều giai cấp: Thượng lưu, trung lưu, hạ lưu. Người của giai cấp nào thì kết giao với người của giai cấp ấy. Trong hôn nhân cũng vậy, bao giờ người ta cũng chú trọng đến vấn đề “môn đăng hộ đối”. Hai bên thông gia phải tương xứng nhau trên mọi phương diện thì mới chịu gả con cho nhau và như vậy mới được người đời khen tặng. Cũng như màn hoa thì phải trải chiếu hoa mới xứng hợp; chén ngọc, đũa ngà phải dọn trên mâm son thì mới có giá trị.

Thân em như cái sập vàng
Còn anh như manh chiếu rách giữa đàng bỏ quên.

Sập tức là bộ ván thấp chân quỳ, thường thấy ở nhà quyền quý. Đem cái sập vàng mà so với manh chiếu rách bị vứt giữa đàng để thấy sự cách biệt một trời, một vực. Câu này ám chỉ đến thân phận con người trước quan niệm "môn đăng hộ đối" ngày xưa. Người con trai như manh chiếu rách thì làm sao có thể trải lên sập vàng của tiểu thư quyền quý được.

Chiếc chiếu gần gũi với con người từ bao đời nay, không chỉ là vật dụng trong mỗi gia đình mà còn mang bao tình cảm, là chứng nhân của biết bao chuyện tình./.

Nguyễn Văn Thiện

 

Chia sẻ bài viết