Tiếng Việt | English

06/12/2017 - 08:46

Chống bệnh thành tích vào cuối năm

Tháng 12 là thời điểm các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực thi đua hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm. Lúc này, các ban, ngành, đoàn thể cũng soát xét công việc

cuối năm, tiến hành kiểm tra, đánh giá, tổng kết tình hình, kết quả hoạt động, bình xét các danh hiệu, hình thức thi đua cuối năm,...

Sau một năm hoạt động, thành tích là nội dung, đích đến được mọi người quan tâm.Ngành, địa phương nào cũng muốn hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm, được khen thưởng; người nào cũng muốn đạt những danh hiệu, hình thức thi đua tốt nhất. Đó là động lực để mọi ngành, mọi người thi đua yêu nước.

Tuy nhiên, nếu quá nặng về thành tích, nặng tính “hơn, thua”, đạt danh hiệu thi đua bằng mọi cách thì rất dễ rơi vào bệnh thành tích. Vì thành tích, người ta có thể báo cáo quá sự thật, tô hồng, qua loa, hình thức,... để được khen thưởng. Vì thành tích, người ta có thể “phù phép” sổ sách, bổ sung văn bản để mọi thứ hợp lệ, dù trước đó hoạt động có nhiều hạn chế. Kết quả là địa phương, tập thể, cá nhân dù đạt danh hiệu nhưng thực chất thành tích không có gì nổi bật, thiếu tính thuyết phục, tạo dư luận không hay, thậm chí có khi còn gây mất đoàn kết nội bộ.

Để chống bệnh thành tích vào cuối năm, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức cần đề cao đạo đức công vụ và tính trung thực; cần làm tốt công tác tự phê bình và phê bình; tổ chức tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát trong năm, qua đó phát hiện những cá nhân, tập thể điển hình trong quá trình hoạt động. Cần đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá, công nhận; có biện pháp hữu hiệu chống bệnh hình thức, bệnh thành tích. Lúc đó, công tác thi đua, khen thưởng thực sự là đòn bẩy, động lực để mọi người thi đua yêu nước, thi đua lập thành tích, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển địa phương, đất nước./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết