Tiếng Việt | English

23/05/2024 - 07:52

Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa, bão

Theo dự báo của ngành chức năng, những ngày tới, tình trạng mưa giông kèm theo các loại hình thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, các cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh Long An cần chủ động phòng tránh nhằm bảo vệ tài sản, sức khỏe, an toàn tính mạng con người.

Các địa phương cần chủ động nạo vét, gia cố kênh, mương để chống ngập úng trong mùa mưa, bão

Thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, từ giữa tháng 5/2024 đến nay, các cơn mưa bắt đầu xuất hiện, góp phần giảm bớt nóng bức. Tuy nhiên, kèm theo những cơn mưa đầu mùa là các trận giông lốc, sấm sét nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Mưa xuống, thời tiết bớt nóng bức, ngột ngạt nhưng mấy trận mưa đầu mùa vừa qua sấm sét, giông gió quá khiến người dân rất lo lắng”.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, sau những cơn mưa đầu mùa, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sấm sét,... Trong đó, tại các địa phương như Tân Trụ, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường xảy ra các vụ việc người dân bị sét đánh tử vong khi đi bắt ếch hay thăm đồng trong lúc trời đang mưa.

Ngành chức năng tỉnh khảo sát tình trạng sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây (khu vực phường 2, thị xã Kiến Tường)

Bên cạnh thời tiết cực đoan thì nỗi lo của người dân mỗi khi vào mùa mưa còn là vấn đề về tai nạn điện. Hiện nay, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, để có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, người dân thường kéo điện truyền tải đi rất xa. Phần lớn những trụ điện tạm này được làm bằng gỗ, theo thời gian đã hư hỏng, mục chân, nếu không sớm được thay thế thì trong điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn sẽ dễ bị ngã, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, tình trạng sạt lở đất tại các khu vực ven sông, tuyến kênh lớn trên địa bàn tỉnh vẫn đang là nỗi lo của người dân. Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc) đã sống ven sông Cần Giuộc hơn 30 năm. Tình trạng sạt lở tại khu vực này những năm qua diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng lấn sâu vào nhà dân.

Chị Nga lo lắng: “Dù chính quyền địa phương đã khảo sát, nắm tình hình sạt lở và cho cắm các biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, tuy nhiên không ai có thể biết chính xác khi nào thì xảy ra sạt lở. Do vậy, những hộ dân có nhà ven sông như chúng tôi luôn phải sống trong lo âu. Tôi kiến nghị các ngành chức năng sớm thực hiện công trình kè chống sạt lở để bảo đảm an toàn cho người dân”.

Diễn tập chằng chống nhà cửa, ứng phó với mưa, bão

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, năm 2023, mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, sạt lở đất, ngập úng do thủy triều dâng cao xảy ra trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Cần Giuộc, Châu Thành, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường. Trong đó, sấm sét đã làm chết 2 người, điện giật sau khi xảy ra giông lốc làm chết 1 người, giông lốc làm bị thương 3 người.

Cùng với đó, giông lốc cũng làm sập 9 căn nhà, tốc mái 477 căn nhà, sập 2 nhà màng nuôi tôm công nghệ cao và 3 chòi canh tôm; thiệt hại một số diện tích sản xuất nông nghiệp và kết cấu hạ tầng. Ước tính tổng thiệt hại do giông lốc khoảng 19,1 tỉ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: “Bên cạnh những thiệt hại do sấm sét, giông lốc gây ra, năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 19 vụ sạt lở lớn, nhỏ, làm ảnh hưởng, thiệt hại nhiều kết cấu hạ tầng của Nhà nước, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng sạt lở. Tổng chiều dài sạt lở là hơn 13.000m. Ước tính thiệt hại do sạt lở là hơn 2,5 tỉ đồng”.

Cần chủ động phòng, chống

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh, mùa mưa trên địa bàn tỉnh chính thức bắt đầu từ giữa tháng 5/2024. Tuy nhiên, lượng mưa còn ít, chưa đều, chỉ rải rác vài nơi. Trong khoảng thời gian đầu mùa mưa, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, sấm sét. Dự báo mưa đầu mùa sẽ kéo dài đến hết tháng 5 và đầu tháng 6 năm nay.

Từ giữa tháng 6/2024, mưa bắt đầu tăng về diện và lượng. Do vậy, những ngày tới, tình hình thời tiết trong tỉnh phổ biến nhất là những ngày có mưa giông, xen kẽ với những ngày không mưa và nắng nóng. Đặc biệt, các cơn mưa kèm giông lốc, sấm sét tiếp tục xuất hiện nhiều vào buổi chiều và tối.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Nguyễn Văn Đoàn thông tin: Để chủ động công tác PCTT&TKCN, huyện đề ra phương án, kế hoạch cụ thể, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, không chủ quan, thiếu ý thức trong phòng tránh thiên tai.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền, để chủ động phòng, chống mưa, bão, giảm nhẹ thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chuyên môn trên các phương tiện truyền thông và tài liệu hướng dẫn biện pháp phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai được truyền tải trên các website của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, Đài KTTV khu vực Nam Bộ, Đài KTTV tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh,... từ đó, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó hiệu quả.

Diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên sông (Ảnh tư liệu)

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn nhà ở trước mùa mưa, bão. Đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao,... cần phải kiểm tra, rà soát và có các biện pháp sửa chữa, gia cường. Các công trình xây dựng tại các khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở đất cần được đánh giá và cảnh báo cho người dân; chuẩn bị phương án sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở những căn nhà tạm bợ, bán kiên cố và những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đến khu vực tránh trú an toàn.

Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp cắt tỉa cành, nhánh (không được đốn hạ), nhất là những cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm bảo đảm an toàn, không để cây xanh bị ngã do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và của, đặc biệt là tính mạng của người dân.

“Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông lốc, sấm sét,... thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Khi có giông lốc, sấm sét, người dân nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt. Không nên dùng điện thoại và rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông, sấm sét để bảo đảm an toàn,...

Trường hợp khi đang ở giữa đồng trống, người dân cần hạ thấp người; ngồi chụm 2 chân sát nhau tạo thành một điểm duy nhất tiếp xúc với mặt đất; tránh xa những nơi có nước, các vật bằng kim loại như cuốc, liềm, máy nông cụ, xe đạp, xe máy,... để tránh sét đánh trúng” - ông Nguyễn Thanh Truyền khuyến cáo./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết