6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 8 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh
Sẵn sàng các phương án
Những năm qua, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh tỉnh Long An diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường, gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. 6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 8 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh; mưa giông làm sập 10 căn nhà, tốc mái 140 căn, 1 người bị thương,...
Tuy nhiên, con số thực tế còn lớn hơn vì chưa được thống kê, báo cáo kịp thời. Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản; đồng thời, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch PCTT gắn với phòng, chống đại dịch Covid-19.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy Lợi - Võ Kim Thuần cho biết: “Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh triển khai, ban hành nhiều văn bản chủ động phương án bảo đảm an toàn PCTT trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các văn bản yêu cầu các cấp, các ngành phải theo dõi thường xuyên bản tin dự báo, cảnh báo về thời tiết, thiên tai và diễn biến dịch Covid-19 của cơ quan chuyên môn để thông tin, hướng dẫn kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân nắm biết nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời, bảo đảm an toàn; triển khai song song các biện pháp ứng phó dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương khi có dịch bệnh xảy ra theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng””.
Ngoài ban hành các văn bản, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN còn chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền. Theo đó, vừa hoàn thành việc triển khai bộ tài liệu “Sổ tay công tác PCTT dành cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT; yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trong group Zalo PCTT của tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, các ngành và người dân tiện theo dõi, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, phần mềm, mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber,...) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai giữa Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đặc biệt là đối với cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Việc ứng dụng Zalo vào PCTT ở huyện rất hiệu quả. Khi xảy ra sạt lở, giông lốc, sập nhà,... địa phương chụp hình gởi vào group Zalo PCTT của huyện. Sau đó, trong khả năng, huyện xử lý ngay, còn chưa được thì báo cáo về cấp trên để tìm cách giải quyết. Đặc biệt, các văn bản, kế hoạch của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng được triển khai nhanh, không nhất thiết phải họp triển khai trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Hiện nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành chủ động đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Ảnh tư liệu)
Trách nhiệm không của riêng ai
Thời gian qua, công tác chủ động ứng phó với thiên tai đạt nhiều kết quả khả quan. Điều này được khẳng định khi mùa hạn, mặn năm 2020-2021, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được chủ động. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, công tác PCTT vẫn còn gặp nhiều thách thức khi thiên tai ngày càng gia tăng về cường độ và tính chất bất thường, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các cấp, các ngành phải tập trung lực lượng phòng, chống dịch. Do đó, việc chủ động phòng, chống thiên tai được xem là trách nhiệm không của riêng ai, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trách nhiệm của người dân.
Ông Võ Kim Thuần cho biết thêm: “Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả trước các tình huống thiên tai phức tạp có thể xảy ra từ nay đến cuối năm 2021, đặc biệt trong giai đoạn cả hệ thống chính trị đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau: Chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn PCTT trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; huy động lực lượng tổ chức trực ban nghiêm túc, chặt chẽ để kịp thời theo dõi, nắm bắt diễn biến từng loại hình thời tiết, thiên tai; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp huy động lực lượng trực ban, phương tiện, trang thiết bị sẵn có tại địa phương để tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra thiên tai khi có yêu cầu.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, bảo đảm độ tin cậy, chính xác cao; đồng thời, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để kịp thời đăng tải, đưa tin lên website PCTT, hệ thống tin nhắn SMS, email,... để các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, kiểm tra an toàn các tuyến quốc lộ, bến cảng, bến phà; kiểm soát phương tiện lưu thông an toàn trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn kết hợp nước lũ, triều cường lên cao gây ngập lụt.
Sở Y tế phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi, công trình PCTT, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy lợi phù hợp với tình hình diễn biến mưa lũ, triều cường nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh”./.
Lê Ngọc