Tiếng Việt | English

05/05/2023 - 09:12

Kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều 07/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-tơ-ri, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ảnh tư liệu TTXVN 

Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Mùa hè năm 1953, tướng Na-va được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội tại Đông Dương, mang theo “Kế hoạch quân sự Na-va” hy vọng trong vòng 18 tháng giành được một thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho nước Pháp.

Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị ở Tỉn Keo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày về ý đồ táo tợn của tướng Na-va. Sau khi nghe xong phương án tác chiến, Bác Hồ nhắc lại tinh thần nghị quyết đầu năm của Trung ương Đảng. Bác nhấn mạnh, phương châm chung của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, do vậy, không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Phải thực hiện đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh; chỉ được đánh thắng, không được đánh không thắng.

Để phá tan kế hoạch Na-va, mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, với hướng chính là Tây Bắc.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nhận định tình hình chiến sự Đông Xuân đã thống nhất, sau nhiều chiến dịch tổ chức thắng lợi, ta đang ở thế chủ động chiến lược, còn địch ở thế bị động. Từ đó, đi đến quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược - đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trên cương vị thống soái tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”(1).

Đầu tháng 01/1954, trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”.

Bác nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng”(2). Những lời dặn dò của Người là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có căn cứ để xử trí trong quá trình chỉ huy trận đánh.

Ngay sau ngày mở Chiến dịch, Bác đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu Đông năm nay các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi”(3).

Trước khi cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ bước vào trận quyết chiến chiến lược rất quan trọng và đầy khó khăn này, ngày 10/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư để động viên và giao nhiệm vụ cao cả cho toàn thể bộ đội tại mặt trận Điện Biên Phủ: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to! Bác hôn các chú!...”.

Ngày 15/3/1954, Bác lại gửi điện khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận. Bức điện nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.

Trước tình cảm của Bác, cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ đã khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc: Tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát-tơ-ri vào 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954. Trong niềm vui chiến thắng ấy, Bác đã gửi thư khen ngợi quân đội và nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ ra nguy cơ chiến tranh còn kéo dài bởi đế quốc Mỹ đang lăm le can thiệp vào Việt Nam: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu. Bất kỳ cuộc đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 5, tr.403

(2) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 5, tr.416

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 7, tr.198

 

Chia sẻ bài viết