Tiếng Việt | English

09/08/2016 - 15:52

Chủ tịch nước: Không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về kết quả công tác 7 tháng vừa qua và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016 của ngành kiểm sát nhân dân.

Trong bảy tháng qua, công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của ngành kiểm sát đã được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; kiểm sát 100% quyết định, tỉ lệ giải quyết đạt trên 80%, số quá hạn giảm 6,1%.

Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được tăng cường, tiến độ giải quyết án nhanh hơn; chất lượng điều tra được nâng cao; hoàn thành tốt 4/4 chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng hiệu quả hơn; đã khởi tố điều tra 25 vụ, trong đó có 19 vụ án phạm tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Toàn ngành kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Các trường hợp phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm 46,6% so với cùng kỳ năm 2015. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được tăng cường và hiệu quả hơn, nhất là kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp chặt chẽ hơn; tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn, phức tạp, trọng điểm được dư luận quan tâm. Sau một năm thành lập và thực hiện thẩm quyền mới, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đi vào nền nếp và bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Ngành kiểm sát đã sớm tổ chức triển khai thi hành 7 đạo luật về tư pháp; chủ động tham mưu cho 45/63 tỉnh ủy, thành ủy ban hành chỉ thị về việc triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; tiếp tục xây dựng, thực hiện các đề án đổi mới tổ chức, bộ máy, chế độ, chính sách đối với ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực pháp luật, phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia...

Những tháng cuối năm 2016, ngành kiểm sát phấn đấu không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm; có cơ chế, biện pháp giải quyết để giảm số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đang tồn đọng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhất là các đạo luật mới về tư pháp...

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đề xuất một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước trong hoạt động tư pháp; về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong hệ thống chính trị và trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay; kiện toàn, thành lập, tăng cường năng lực cho một số đơn vị trực thuộc, bảo đảm tính chuyên sâu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc, cải cách chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành kiểm sát đã đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch nước cho rằng, ngành kiểm sát đã tiếp tục đổi mới các mặt công tác, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Vai trò công tố được đề cao, trách nhiệm công tố được tăng cường; tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên. Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp ngày càng sâu sát, hiệu quả hơn; chất lượng các bản kiến nghị, kháng nghị được nâng cao, góp phần bảo đảm các hoạt động tư pháp ngày càng hiệu quả hơn.

Ngành kiểm sát đã chú trọng rà soát, kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan, sai; đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát đã phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, qua đó góp phần xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra, Tòa án các cấp được tăng cường, ngày càng chặt chẽ hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án trọng điểm, nhất là các vụ án tham nhũng... Tổ chức bộ máy theo mô hình Viện kiểm sát nhân dân ở bốn cấp được kiện toàn, nhất là ổn định tổ chức 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước đề nghị, ngành kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”; tập trung nghiên cứu, tham gia hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các dự án luật liên quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, ngành kiểm sát cần tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội tham nhũng; khắc phục tình trạng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng, kéo dài thời hạn giải quyết; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, với tinh thần không để lọt tội phạm, không để oan, sai.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Vừa qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước hết sức quan tâm đến việc đấu tranh chống các loại tội phạm nói chung, đặc biệt là tội phạm tham nhũng. Các ngành tư pháp, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, với tinh thần “không có vùng cấm” không chịu bất cứ áp lực của cá nhân, tổ chức nào cản trở công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, rõ đến đâu xử lý đến đó một cách nghiêm minh; xử lý đối tượng tham nhũng phải đồng thời với việc chú trọng thu hồi tài sản mà các đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt, hoặc làm thất thoát”.

Cùng với đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, ngành kiểm sát cần chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát các cấp với cơ quan điều tra, tòa án, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; quan tâm công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm xảy ra; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII)./ . 

Đức Dũng - Hùng Cường/TTXVN

Chia sẻ bài viết