Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 10:54

Chủ tịch Quốc hội: “Không có chuyện đứng trên dân”

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “Đại hiểu Quốc hội trước hết là cử tri, là người dân, sống trong dân không có chuyện đứng trên dân”.

Sáng nay (9/3), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo cáo cần đánh giá thêm, nhất là qua hoạt động của Quốc hội đã góp phần làm cho thể chế nhà nước hoàn thiện hơn.

Báo cáo phải đánh giá sâu được vai trò hoạt động của đại biểu Quốc hội. Trong khoá mới, nhiều đại biểu tiếp tục tái cử, nhiều người khác muốn tự ứng cử. Hoạt động của đại biểu thể hiện tinh thần mang trong mình sức mạnh, ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội để chất vấn, ra các nghị quyết giải quyết vấn đề của dân, giám sát…

Chủ tịch Quốc hội: Phải sống trong dân chứ không phải đứng trên dân

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần nhấn mạnh bài học về nhân dân, tức nhiệm kỳ vừa qua, từ Chủ tịch Quốc hội đến các đại biểu họ trước hết là cử tri, là người dân, sống trong dân chứ không phải Quốc hội đứng trên dân. Đại biểu được dân đồng tình, ủng hộ để đóng góp ý kiến và dân giám sát, nhờ đó Quốc hội hoạt động mới tốt.

“Bộ trưởng lên diễn đàn Quốc hội, rồi các Chủ nhiệm Uỷ ban, kể cả Chủ tịch hay chủ toạ các phiên họp điều hành theo kiểu đứng trên dân thì có được không? Không có chuyện đó đâu, không bao giờ làm được như thế”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, hoạt động phải được dân đồng tình hủng hộ để xây dựng pháp luật, giám sát để phục vụ nhân dân. Tiếp xúc cử tri cũng là để lắng nghe dân, bám sát đời sống của dân để có sơ sở hoạt động chứ không phải oai phong gì.

“Mình là ắc quy, dân như điện. Nếu nạp vào mới chạy được, còn nếu hết điện thì không thể chạy được. Có anh đọc hộ bài của người khác, nói linh tinh, như vậy là không được đâu. Dân sáng suốt chọn ra đại biểu Quốc hội thì cố gắng thể hiện vai trò của cử tri, của Mặt trận trong việc lựa chọn, bầu ra và hoạt động”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Về cách thể hiện, lãnh đạo Quốc hội đề nghị: “Mấy từ “thực chất hơn” phải bỏ hết đi. Từ này là do bị ám ảnh ngày xưa làm kiểu hình thức nên giờ cứ phải nói là “thực chất”. Đây là cách viết của người bị ám ảnh…”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì cho rằng, trong khoá vừa qua, tình hình Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan là sự kiện chính trị lớn, Quốc hội cũng quyết liệt trong vấn đề này, góp phần ổn định tình hình… Do đó, cần đưa nội dung này vào báo cáo.

Nhấn mạnh báo cáo thể hiện khá đủ các ý lớn về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, khoá vừa qua Quốc hội quyết định nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa thấy thể hiện rõ trong báo cáo.

“Đây là vấn đề rất quan trọng, vì không có những chính sách đó thì vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn khó khăn không biết đến bao giờ, không phát triển được. Do đó báo cáo cần thể hiện rõ nội dung này”, ông Ksor Phước đề nghị./.

Ngọc Thành/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết