Công an huyện Bến Lức tuyên truyền pháp luật và kỹ năng phòng tránh bị xâm hại tình dục cho học sinh
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác
Cách đây vài năm, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đưa vụ án “Giao cấu với trẻ em” ra xét xử. Bị cáo là một thanh niên nhưng đã rủ rê, dụ dỗ một bé gái mới 14 tuổi học quan hệ tình dục nhiều lần. Không những vậy, bị cáo còn xúi giục bé gái trộm tài sản của gia đình để ăn chơi, chung sống như vợ chồng. Gia đình bé gái phát hiện và tố cáo đến cơ quan chức năng. Vụ án được Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đưa ra xét xử và quyết định tuyên phạt bị cáo án 4 năm tù.
Đáng lo ngại, hiện nay, đối tượng phạm tội rất khó phát hiện khi gia đình - nơi được coi là môi trường an toàn nhất với trẻ hiện cũng không còn là chốn an toàn tuyệt đối. Thực tế có những vụ việc, đối tượng XHTDTE lại chính là người thân quen, ruột thịt trong gia đình. Thông tin từ Công an tỉnh, mấy năm trước, tại huyện Cần Giuộc, một bé gái 10 tuổi đã bị chính cha ruột ở chung nhà XHTD. Vụ việc này gây ra nhiều bức xúc và xôn xao dư luận khi tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận đã 5 lần thực hiện hành vi XHTD với chính con gái ruột trong lúc mẹ và bà nội bé không có mặt tại nhà. Mở rộng điều tra, đối tượng còn khai nhận có hành vi XHTD đối với bé gái khác.
Vụ việc đã được đưa ra tòa án xét xử và đối tượng phạm tội phải chịu mức án nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Nhưng chắc chắn rằng, nỗi đau mà bị cáo gây ra cho bị hại và người thân bị hại sẽ còn dai dẳng.
Xâm hại trẻ em là tội ác, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về khung hình phạt đối với hành vi phạm tội này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với toàn xã hội về vấn nạn này. Nạn nhân của các vụ XHTDTE phần lớn là dưới 16 tuổi. Nhiều em còn chưa đến tuổi đi học, thậm chí những năm qua, có em chỉ mới mười mấy tháng tuổi đã trở thành nạn nhân của những kẻ xâm hại.
XHTDTE dù ở mức độ nào thì trẻ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển về tâm, sinh lý sau này. Đáng lo ngại hơn là các em có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh xã hội. Về mặt tinh thần, nhiều em do bị đe dọa nên mắc các triệu chứng như trầm cảm, tự kỷ, sợ bạn bè kỳ thị, nổi loạn, bỏ học giữa chừng,...
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vấn nạn XHTDTE vẫn đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân xảy ra XHTDTE. Đó là ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; trẻ thiếu kỹ năng tự vệ. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng bởi văn hóa phẩm đồi trụy; sự thờ ơ, thiếu quan tâm của nhiều bậc phụ huynh hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ rơi vào nguy cơ bị XHTD hoặc vi phạm pháp luật về XHTDTE.
Với các vụ tố cáo XHTDTE thì công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, chứng cứ còn nhiều khó khăn. Nạn nhân bị xâm hại và người thân còn tâm lý muốn giấu kín, không tố giác,...
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm lo trẻ em, nhất là tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại cho trẻ em, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt, hàng năm, các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, Luật Trẻ em và kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; đồng thời, tuyên truyền về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người tố giác các hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em. Việc tố cáo sớm sẽ giúp các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xác minh, điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như giám định tổn thương cho trẻ.
Các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc dạy kỹ năng sống cho học sinh tại các nhà trường; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn, tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ làm công tác trẻ em cấp cơ sở, lực lượng cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về các nguyên tắc phòng tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Cùng với nhiều giải pháp, các cấp, các ngành, đoàn thể và gia đình phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị tổn thương, bị bạo hành và bị XHTD. Từ đó, giúp các em ổn định tinh thần, được chăm sóc phục hồi, chữa lành vết thương, xóa đi mặc cảm để hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Là phụ huynh của một bé gái, chị Lê Thị Hạnh (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) cho biết, mỗi lần nghe tin về các vụ việc XHTDTE thì rất đau lòng. Chị cho rằng, XHTDTE là hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải bị lên án và trừng trị thích đáng. Theo đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của toàn xã hội, các cấp, các ngành. Đặc biệt, để ngăn ngừa, phòng, chống thì giữa gia đình và nhà trường có sự phối hợp trong quản lý, quan tâm giáo dục trẻ về giới tính, cách phòng vệ trước các hành vi xâm hại, nhất là XHTD; tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích. “Để phòng, chống XHTDTE xảy ra, gia đình phải là “lá chắn” đầu tiên trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết” - chị Hạnh nêu quan điểm.
Chị Nguyễn Thị Liên (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) chia sẻ, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con; nắm biết những sự thay đổi và biểu hiện của con để có định hướng, giáo dục đúng đắn, kịp thời ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực, nguy cơ trẻ bị XHTD.
Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, về phía Công an tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm XHTDTE và kiến nghị khởi tố; đồng thời, phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xử lý các đối tượng phạm tội XHTDTE theo quy định pháp luật.
Bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật cũng cần phải nâng cao trách nhiệm tố giác phạm tội XHTDTE. Bởi, chính thái độ im lặng, xem nhẹ và thiếu trách nhiệm của gia đình và cộng đồng sẽ là cơ hội cho tội phạm thực hiện các hành vi XHTDTE và đó cũng chính là rào cản gây không ít khó khăn cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em./.
Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 -15 năm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
|
Lê Đức