Tiếng Việt | English

26/07/2022 - 11:05

Chuyện tình đẹp của những thương binh

Bên cạnh ký ức hào hùng về một thời “hoa lửa”, trong những ngày tháng 7, chúng tôi còn có dịp nghe chuyện tình của các thương binh và một nửa của đời mình. Hy vọng câu chuyện của những gia đình thương binh dưới đây sẽ tiếp thêm niềm tin cho mọi người vào tình yêu, hôn nhân, gia đình.

Bữa cơm đong đầy hạnh phúc của vợ chồng ông Phạm Duy Nhù

Bữa cơm đong đầy hạnh phúc của vợ chồng ông Phạm Duy Nhù

Xóa bỏ mặc cảm, tự ti

Cuối năm 1987, chàng lính trẻ Phạm Duy Nhù (SN 1963, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) trở về Việt Nam sau hơn 3 năm tham gia làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Đầu năm 1988, ông về quê sau thời gian an dưỡng, điều trị tại Bệnh viện 7C thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7. Từ chàng trai khỏe mạnh, ông Nhù trở thành thương binh hạng 3/4, chân trái bị teo cơ, bước đi khập khiễng.

“Năm 1982, tôi làm ở Công ty (Cty) Dệt Long An. Năm 1984, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường hỗ trợ nước bạn Campuchia. Sau khi trở về, tôi tiếp tục công tác tại Cty cũ và được cơ quan cử đi học tại Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Công nghiệp nhẹ, nay là Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM” - ông Nhù cho biết. Cơ thể không còn lành lặn, sức khỏe giảm sút nên ông mặc cảm, tự ti và từng có ý định không lập gia đình vì sợ không thể lo được cho vợ con. Tuy nhiên, sau khi gặp bà Phan Thị Cúc (SN 1965), ông đã thay đổi suy nghĩ. Được biết, ông bà làm cùng Cty nhưng khác chi nhánh, ông công tác tại huyện Thủ Thừa, còn bà làm ở huyện Bến Lức. Thỉnh thoảng, cả 2 có dịp gặp gỡ trong công việc, ông quý tính cách hiền lành, thật thà và cả sự chân thành của bà Cúc.

Ông Nhù tâm sự: “Tôi mở lòng khi gặp bà ấy. Bản thân không lành lặn nên gặp được người thương mình thật lòng, tôi mới tiến đến hôn nhân. Mặc dù không nói ra nhưng tôi cảm nhận được ban đầu gia đình vợ không muốn cô ấy lấy một người thương tật như tôi nhưng vì thương con nên đồng ý. Khi kết hôn, tôi đã 30 tuổi. Thời gian qua, tôi dùng hành động chứng minh bản thân có thể mang lại hạnh phúc cho vợ con. Dần dần, gia đình vợ hiểu và thương tôi". 

Sau kết hôn, vợ chồng ông sống tại nhà tập thể do Cty cấp. Năm 2004, Cty Dệt Long An chính thức giải thể nên ông bà sử dụng số tiền tích góp cất căn nhà nhỏ. Điều làm tôi ấn tượng và thật sự khâm phục nhất là gần 30 năm nên duyên vợ chồng, ông luôn là “bếp trưởng” cho cả nhà. Ông Nhù chia sẻ, do công việc ở gần nhà hơn nên ông thường xuyên đi chợ, nấu ăn. Hiện tại, cứ 4 giờ 30 phút mỗi ngày, vợ chồng ông dậy tập thể dục. 5 giờ, ông chuẩn bị bữa sáng cho vợ. Sau bữa cơm chiều, ông chạy xe đạp chở vợ về nhà mẹ ruột để thăm hỏi, trò chuyện. Đều đặn cuối tuần, cả nhà ông quây quần bên nhau nấu ăn.

Được biết, năm 1995, “trái ngọt” đầu tiên từ cuộc hôn nhân của ông bà ra đời, sau đó, năm 1999, ông bà sinh người con thứ hai. Con trai lớn đã ra trường và có việc làm ổn định, con gái út vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Văn hóa du lịch Trường Đại học Sài Gòn. Giờ đây, niềm vui chung của vợ chồng ông Nhù là gia đình luôn hạnh phúc, đầm ấm, các con trưởng thành và thực hiện được ước mơ của bản thân.

Nên duyên từ sự đồng cảm

Là con cả trong gia đình có 8 anh, chị em, năm 17 tuổi, bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1955) tham gia cách mạng và làm giao liên tại xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành. Trong một lần làm nhiệm vụ, bà bị thương. Đang ở độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ, bà Nguyệt bỗng chốc bị cụt tay phải, nát chân phải, chân trái may 9 mũi. Bà Nguyệt là thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 68%, bà từng buồn và tự ti nhiều. Tuy nhiên, việc ông bà kết nghĩa vợ chồng đã mở ra một trang mới trong cuộc đời của cả 2. Khi được hỏi về cơ duyên gặp nhau, bà Nguyệt mỉm cười “chuyện này hỏi ông ấy thì sẽ chi tiết hơn”.

39 năm nên duyên vợ chồng cùng bà Nguyệt nhưng kỷ niệm về ngày đầu gặp gỡ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Nguyễn Văn Sang (SN 1955, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An). Ông Sang bùi ngùi nhớ lại: “Có thể nói, vợ chồng tôi quen biết nhờ bạn bè giới thiệu. Năm 1982, tôi đến nhà một người bạn ở xã Thanh Phú Long chơi, trùng hợp nhà bà ấy gần đó. Thấy hoàn cảnh cả 2 giống nhau nên mọi người mai mối. Khi đó, vợ bị cụt tay do ảnh hưởng của chiến tranh. Còn tôi trong một lần đi đào khoai thì bị đạn nổ, mắt phải mất thị lực hoàn toàn, mắt trái chỉ thấy mờ mờ. Sau khi gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống. Năm 1983, chúng tôi nên duyên vợ chồng”.

Gia đình đầm ấm của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt

Gia đình đầm ấm của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt

Sau kết hôn, ông bà không có đất canh tác nên thuê 0,5-0,6ha đất trồng lúa. Lấy công làm lời, vợ chồng bà tự làm mọi việc hoặc kết hợp làm vần công cùng hàng xóm. Bà Nguyệt chia sẻ: “Mỗi lần cắt lúa, tôi buộc chặt lưỡi liềm vào tay phải để làm. Ban ngày làm không xong, vợ chồng tôi làm luôn ban đêm. Cuộc sống khó khăn nên gia đình phải cố gắng, nỗ lực thật nhiều. Chúng tôi có 4 người con, may mắn được Nhà nước hỗ trợ nên đều được đến trường. Đến nay, các con đã trưởng thành và có công việc ổn định”.

Trò chuyện cùng vợ chồng bà Nguyệt, chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương đong đầy mà ông bà dành cho nhau. Được biết, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cơ thể bà thường xuyên đau nhức, những lúc như vậy, ông luôn là người động viên, an ủi, xoa bóp chân, tay cho bà. Ngoài ra, những khi rảnh rỗi, ông bà lại cùng nhau hỗ trợ các con làm bánh tráng, trông cháu, tình cảm gắn bó của gia đình bà Nguyệt khiến chúng tôi ngưỡng mộ.

Đến với nhau bằng sự chân thành, không vụ lợi, chuyện tình yêu thời bình của những thương binh thật cảm động. Câu chuyện của vợ chồng ông Nhù và vợ chồng bà Nguyệt chính là minh chứng cho việc khi tình yêu thương, sự chân thành đủ lớn thì mỗi người có thể vượt qua mọi thứ kể cả những tự ti, mặc cảm, mất mát, khiếm khuyết của cơ thể./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết